Bà La Thị Lam, thành viên HTX Tài Hoan, tại xã Côn Minh (Na Rì - Bắc Kạn), cho hay năm nay hai vợ chồng đã ngoài 60 tuổi, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông, chuyên trồng dong riềng cung cấp cho HTX.
Tăng cường tuyên truyền
Trước đây, bà Lam chưa bao giờ nghĩ rằng vợ chồng mình sẽ tham gia BHXH, tuy vậy sau khi được tham gia các buổi tuyên truyền về chính sách, năm 2020, hai vợ chồng bà Lam đã quyết định đóng BHXH tự nguyện.
|
|
Vận động thành viên, người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. |
“Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, khi đủ điều kiện theo quy định, tôi sẽ được nhận lương hưu hằng tháng (gấp nhiều lần so với mức đóng) góp phần ổn định cuộc sống khi về già, được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe”, bà Lam chia sẻ.
Điều này cho thấy vai trò của công tác tuyên truyền cực kỳ quan trọng. Thời gian qua, BHXH các địa phương cũng đã phối hợp với Liên minh HTX các tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện. Đơn cử như BHXH tỉnh Phú Yên phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Phú Yên triển khai các hoạt động truyền thông về chính sách bảo hiểm.
BHXH và Liên minh HTX tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch liên tịch tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động thành viên HTX tham gia BHXH tự nguyện. Trong thời gian tới, hai ngành sẽ phối hợp tổ chức 4-6 đợt tuyên truyền cho 300 thành viên, người lao động tại các HTX trên địa bàn TP.Tuy Hòa và huyện Tuy An. Nội dung tập trung phổ biến những quy định của Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, mục đích, ý nghĩa, quyền lợi của chính sách BHXH tự nguyện. Qua đó, vận động thành viên, người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Theo ông Trần Quang Phương, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Phú Yên), các hoạt động truyền thông này nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, thành viên và người lao động trong các HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh về chính sách BHXH tự nguyện, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới về chính sách BHXH. Trong đó, thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật; các thành viên khác không tham gia BHXH bắt buộc thì tạo điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện.
Nghiên cứu rút ngắn thời gian đóng
Bên cạnh đó, để phát triển BHXH tự nguyện, Nhà nước cũng đang có những chính sách hỗ trợ. Theo quy định hiện hành, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như: Từ ngày 01/01/2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 có sự điều chỉnh.
Cụ thể, mức hỗ trợ được tính theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: Hộ nghèo được hỗ trợ: 30% x 22% x 1.500.000 = 99.000 đồng/tháng; Hộ cận nghèo được hỗ trợ: 25% x 22% x 1.500.000 = 82.500 đồng/tháng; Các đối tượng khác được hỗ trợ: 10% x 22% x 1.500.000 = 33.000 đồng/tháng.
Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo Điều 73 Luật BHXH 2014, người lao động muốn được nhận lương hưu, ngoài đáp ứng điều kiện về độ tuổi thì phải có mức đóng BHXH tối thiểu 20 năm. Đây được xem là khoảng thời gian quá dài đối với người lao động.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng giảm mức đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Theo đó, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Đi đôi với việc giảm năm đóng, cơ quan này cho biết sẽ đề xuất sửa các quy định về cách tính lương hưu để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, nhằm giúp họ có được một khoản tiền lúc về già.
|
|
Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, nhằm giúp họ có được một khoản tiền lúc về già. |
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy thời gian tham gia BHXH 10 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tất nhiên, thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu có thể thấp nhưng với khoản lương hưu được trả hằng tháng vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động khi về già. Đặc biệt, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc đảm bảo trợ cấp xã hội cho người cao tuổi.
Dự kiến vào cuối năm 2023, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi) để Chính phủ hoàn thiện dự luật. Sau đó, tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra vào tháng 5/2024), Quốc hội dự kiến thông qua dự án Luật BHXH và có hiệu lực từ đầu năm 2025.