Chiều nay (28/9), Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã có bản tin cuối cùng về cơn bão số 4, (bão Noru). Theo đó, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Hồi 13 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tan dần.

leftcenterrightdel
 Cây ngã đổ đè xe máy của người dân tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Lê Tâm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ chiều ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Về cơn bão số 4, rạng sáng ngày 28/9 bão đi vào đất liền từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Cụ thể, hồi 4h sáng 28/9, bão số 4 đã đổ bộ đất liền giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Tâm bão đổ bộ vào huyện Thăng Bình và TP Hội An (Quảng Nam). Thời điểm đổ bộ, sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, đêm 27 và sáng ngày 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13. Bão gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

leftcenterrightdel
 Một cụm cổng chào tại TP Đà Nẵng bị bão số 4 quật ngã. Ảnh: Lê Tâm

Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bộ vào đất liền vào ban đêm, nhưng cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc khẩn trương, đồng bộ, nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn.

Trong ngày 27/9, đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn. Vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ. Tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa,…; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.

leftcenterrightdel
 Bão số 4 làm gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh. Ảnh X.N

Tính đến 10h ngày 28/9, có 4 người bị thương ở Quảng Trị, sập 3 nhà, hư hỏng, tốc mái 157 nhà và làm chìm 3 ghe nhỏ. Có 9.427 trạm biến áp tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi  và 15 xã ở Kon Tum và Gia Lai bị mất điện. Bão số 4 cũng làm gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai.

Cũng trong sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4. Tại cuộc họp Thủ tướng đánh giá các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó bão.

Tại Thừa Thiên Huế, để đảm bảo an toàn, ngành điện lực ở tỉnh này đã chủ động sa thải lưới điện từ 0h30 ngày 28/9 tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy. Toàn tỉnh có 5 cột điện trung thế bị đổ ngã.

Một số hình ảnh lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 4 tại Thừa Thiên Huế.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Cũng trong sáng 28/9, các lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích ứng phó mưa bão trên địa bàn đã có mặt tại những địa bàn bị bão gây thiệt hại nặng để giúp dân dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục kiểm kê thiệt hại, khắc phục hậu quả mưa bão.

Đắc Đức

Xuân Nha