Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vài khoảng 13h ngày 26/9, vị trí tâm bão số 4 (bão Noru) ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
|
|
Bão số 4 diễn biến khó lường. |
Từ sáng 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội. Từ chiều tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.
Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
|
|
Bão số 4 à một siêu bão rất nguy hiểm bởi cấp gió rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, đặc biệt khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng, TT-Huế. |
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ đêm 27/9, khu vực ven biển từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ đêm 27/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15; các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai từ sáng sớm ngày 28/9 có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Cảnh báo mưa lớn: Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng Bằng Bắc Bộ.
Cấp độ rủi ro thiên tai:
Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: Cấp 4
Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: Cấp 3.
|
|
Tàu cá neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN |
Đây là cơn bão rất mạnh di chuyển nhanh và đổ bộ vào đất liền nước ta trong ngày 28/9/2022.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 26/9/2022, hiện có 177 tàu cá/1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 4, trong đó Đà Nẵng 7 tàu/45 ngư dân; Quảng Nam 18 tàu/213 ngư dân; Quảng Ngãi 87 tàu/684 ngư dân; Bình Định 65 tàu/456 ngư dân.
Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại trên biển, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá nêu trên di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn. Báo cáo công tác triển khai và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo trước 6h30’ và 17h hàng ngày để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban.
* Ngày 26/9, nhận định về bão số 4, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, hiện bão di chuyển chủ yếu hướng Tây, với tốc độ từ 20-25km/h. Khoảng từ chiều và đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp nước ta.
Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020).
|
|
Đường đi của bão số 4 rất phức tạp, khó lường. Ảnh TTXVN |
Đề cập đến cường độ của bão, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia lưu ý, bão số 4 đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 13 - 14; giật cấp 17. Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13; khi ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12 - 13, giật trên cấp 14.
Trên biển, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10 - 11; vùng gần tâm bão cấp 12 - 14, giật cấp 17.
Từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 17.
Từ tối và đêm 27/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định sóng biển cao 3 - 5m, vùng gần tâm bão 6-8m.
Khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 5 - 7m, vùng gần tâm bão 8 - 10m.
Vùng biển ngoài khơi khu vực Trung Bộ có sóng cao 4 - 6m, gần tâm bão sóng cao 6-8m, vùng biển ven bờ sóng cao 4 - 6m.
Trên đất liền, từ gần sáng ngày 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10.
Từ sáng sớm ngày 28/9, ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15.
Ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Đối với tình hình nước dâng do bão, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, kịch bản hiện tại là khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi nước dâng do bão là 0,8 - 1,2m. Kịch bản cực đoan nước dâng do bão là 1,4 - 1,8m. Nguy cơ ngập tại vùng trũng, thấp tại ven biển, cửa sông các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.
Bão số 4 có thể gây ra đợt mưa lớn 150 - 300mm, có nơi trên 350mm ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ chiều 27-28/9; từ đêm 27 - 29/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình; từ ngày 28-30/9 ở Thanh Hóa và Nghệ An.
Nếu kịch bản mưa phổ biến 300mm, các sông ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam sẽ ở mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2. Các sông ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3. Các sông ở Thừa Thiên - Huế ở mức báo động 1 và trên báo động 1.
Với kịch bản mưa phổ biến 400mm, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3; riêng sông Hương tại Thừa Thiên - Huế lên mức báo động 2 và trên báo động 2. Nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên.
|
|
Người dân di chuyển thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Ảnh VOV |
Với kịch bản mưa lớn phổ biến trên 400mm, khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy Quảng Bình); Hướng Hóa, Đắkrông, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà (Quảng Trị); Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế); Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn (Thành phố Đà Nẵng); Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam); Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Nhơn, Hoàn Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà, KonPlong, thành phố KonTum, Sa Thầy, Ia H'Drai (Kon Tum); Mang Yang, Phú Thiện, Ayunpa, Krông Pa, An Khê, K Pang, thị xã An Khê (Gia Lai).
Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ sau bão, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 29/CĐ-QG ngày 24/9/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, trong đó tập trung vào việc khẩn trương tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.
Trên đất liền, các địa phương khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông; chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản…
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ;rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các công trình đang thi công, các hồ chứa và hạ du; sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại...
Tại Nghệ An:
Đến thời điểm này, các tàu thuyền đã được kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 3.009 phương tiện với 13.778 lao động đang neo đậu tại bến. Trên vùng biển Nghệ An hiện không có phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm.
Các tàu thuyền này đều đã được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 4 và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
|
|
Người dân Nghệ An gia cố mái nhà trước bão. |
Tại Thanh Hoá:
Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh; Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ: tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; căn cứ diễn biến và dự báo bão, chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Ngoài các biện pháp kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền vào bờ, sơ tán người dân ở các vị trí xung yếu, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão, ứng phó với các tình huống xảy ra trước, trong, sau bão.
Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện số 19, gửi Chủ tịch UBND các huyện Nông Cống, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn. Trong đó phát lệnh báo động II trên sông Yên.
Tại Hà Tĩnh:
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn, chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
|
|
Người dân Hà Tĩnh gia cố kè trước bão. |
“Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu…” – Công điện nêu rõ.
Hiện ở Hà Tĩnh một số hồ chứa nhỏ cơ bản đã tích gần đầy nước, một số hồ chứa loại vừa có cửa van điều tiết như: Sông Rác, Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí, Tàu Voi đã chủ động xả tràn với lưu lượng từ 5 đến 50 m3/s.
Theo Biên phòng tỉnh, hiện hơn 3,6 nghìn tàu thuyền nắm bắt thông tin và vào bờ trú ẩn an toàn.
Tại Quảng Bình:
Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc công điện, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh đã ban hành. Theo dõi chặt chẽ các bản tin diễn biến của bão và hình thế gây mưa để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ".
|
|
Lực lượng Biên phòng Quảng Bình kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu. Ảnh QĐND. |
Khẩn trương rà soát lại số lượng tàu thuyền, kêu gọi tất cả vào bờ, sắp xếp neo đậu an toàn; thực hiện cấm biển đúng thời gian quy định; Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du; đảm bảo an toàn của các công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng tổ chức triển khai phương án di dân. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở. Triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh... để hạn chế rủi ro và thiệt hại...
Theo báo cáo, toàn tỉnh Quảng Bình có 1.689 phương tiện tàu thuyền, cùng với 22.263 lao động đã được thông báo. Nhiều tàu thuyền trong số này đã vào bờ an toàn, một số tàu thuyền khác đã nắm bắt thông tin và di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão.
Hiện ở Quảng Bình có 32 hồ chứa do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý, dung tích trung bình đạt 52,9%. Dung tích các hồ chứa do địa phương quản lý đạt 48%.
Quảng Trị có 126 đập, hồ chứa thủy lợi, bao gồm 124 hồ chứa và 2 đập; trong 126 đập, hồ chứa có 14 hồ chứa lớn, 1 đập lớn, 22 hồ chứa vừa, 88 hồ chứa nhỏ và 1 đập nhỏ. Đến thời điểm hiện nay tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 45,60% so với dung tích thiết kế.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã lên các phương án di dân. Chú trọng ở huyện đảo Cồn Cỏ. Hiện trên đảo Cồn Cỏ có gần 400 người, gồm người dân, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ, công nhân thi công các công trình. Chính quyền và LLVT huyện đảo đã lên kế hoạch chi tiết.
Số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh bão của 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ là 8.980 hộ với 27.966 nhân khẩu. Với bão cấp độ 4, số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh bão toàn tỉnh là 29.169 hộ với 100.768 nhân khẩu.
Tại Quảng Trị:
Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công điện khẩn, yêu cầu yêu cầu sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn, hoàn thành trước 17 giờ ngày 26/9. Công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 15 giờ ngày mai 27/9. Trước đó, tàu thuyền bị nghiêm cấm ra khơi từ 19h ngày 25/9.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương và các ngành chức năng hoàn thành việc di dời dân để phòng chống bão Noru trước 15h ngày 27/9.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở GD-ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng, chống bão, mưa lũ tại trường học.
Hiện tỉnh Quảng Trị có 2.302 chiếc tàu thuyền, hầu hết tàu thuyền và thuyền viên đã neo đậu an toàn tại bến của tỉnh. Số còn lại đang hoạt động gần đảo Cồn Cỏ. Có nhiều tàu thuyền của các địa phương khác neo đậu trên địa bàn.
Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học, dừng họp chợ, công nhân nghỉ làm để tránh bão
TP Đà Nẵng thống nhất cho học sinh các cấp nghỉ học từ chiều ngày 26/9, đồng thời từ 12h ngày 27/9, Đà Nẵng tạm dừng họp chợ truyền thống, tất cả cán bộ công chức viên chức, người lao động, công nhân… nghỉ làm việc để tránh bão.
|
|
Học sinh toàn TP Đà Nẵng nghỉ học từ chiều ngày 26/9. (Ảnh: LT) |
Trưa ngày 26/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp phòng chống bão Noru.
Theo đó, tại cuộc họp, các quận huyện đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học để địa phương chuẩn bị vật chất phục vụ người dân khi di dời, sơ tán.
Trên cơ sở đề xuất đó, sau khi xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã đồng ý và chỉ đạo ngành giáo dục có văn bản cho học sinh toàn thành phố nghỉ học từ chiều ngày 26/9. Thời gian đi học lại sẽ thông báo mới, tùy vào diễn biến mưa bão.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo quận Liên Chiểu cũng đề xuất UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị các nhà máy, doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc trễ nhất là từ trưa mai ngày 27/9 để công nhân, người lao động có thời gian trở về nhà và thực hiện chằng chống nhà cửa, cũng như thuận tiện cho vấn đề di dời người dân.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho hay, trong kịch bản bão Noru mạnh cấp 14 đến cấp 17, tổng số người dân tại Đà Nẵng phải sơ tán là hơn 107.000 người. Trong đó, huyện Hòa Vang có số người dự kiến được sơ tán nhiều nhất với gần 30.000 người.
Cũng trong sáng ngày 26/9, Quảng Nam đã có công văn thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học ngày 27/9 để phòng, tránh bão Noru.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có công điện khẩn gửi các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn về phương án ứng phó với bão Noru. Trong công điện, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau bão. Thông báo cho các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 7h ngày 27/9/2022 cho đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.