Ký ức không quên
Kinh thành Huế là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm, từ năm 1802 đến khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945. Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng năm 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.
Nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế, xung quanh Kinh thành Huế có 24 pháo đài (Eo Bầu). Thành dài 12 cây số, được đắp bằng đất và xây gạch 2 bên, mặt thành dày 21m. Sau năm 1945, chiến tranh loạn lạc, trong nội thành không ai quản lý, người dân lấn chiếm bề mặt thành dựng nhà sống men theo tường Kinh thành và khu vực Eo Bầu, cứ thế nơi đây hình thành cụm dân cư.
Gọi là nhà nhưng chỗ ở của nhiều thế hệ trong gia đình chỉ tạm bợ với bờ tường của Kinh thành, mái tôn xiêu vẹo, rộng vài chục mét vuông, không khác gì một khu ổ chuột. Không gian chật hẹp trong ngôi nhà loang lổ, nền gạch phai màu do nhiều năm không sơn sửa khiến những người dân sinh sống khu vực này luôn cảm thấy ngột ngạt, bí bách. Các tuyến đường nối vào cụm dân cư không có hệ thống xử lý nước thải luôn đọng mùi hôi, nước thải chảy tràn ra đường làm nhếch nhác cả khu xóm.
Mấy chục năm sống treo trên Thượng Thành, ông Nguyễn Văn Ân (60 tuổi) cùng vợ và ba đứa con sống chen chúc trong căn nhà chừng 30m2. Ngôi nhà xập xệ, ba bức vách được quây bằng tôn, bức còn lại mượn bờ tường Kinh thành. Hai đứa con trai ông Ân đã xấp xỉ tuổi 30 vẫn chưa lập gia đình, “cô gái nào ghé đến nhà, thấy cảnh sống tạm bợ, chật hẹp chắc cũng phải chạy dài”-ông Ân đã nói vậy.
Năm 1985, mẹ chồng bà Trần Thị Lộc được người quen nhượng lại miếng đất nhỏ đang trồng hoa màu trên Thượng Thành để làm nhà ở.
|
|
Niềm vui và phấn khởi hiện hữu trên khuôn mặt của bà con Thượng Thành khi được ông Phan Ngọc Thọ-Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đi xem khu tái định cư phường Hương Sơ. |
Lúc ấy, được phường Thuận Lộc (TP Huế) xác nhận gia đình bà chưa có nhà ở, kinh tế khó khăn nên đã đồng ý cấp cho hộ bà Lộc 35m2 đất trên Thượng Thành để làm nhà ở bằng vật liệu nhẹ. Từ đó, mảnh đất rộng 35m2 là nơi cư trú của 4 thế hệ trong gia đình bà Lộc.
Không tiền dựng nhà kiên cố, hai vợ chồng bà Lộc dành dụm mua từng cây cột sắt, tôn cũ để quây một mái nhà làm nơi ở. “Sống trên cao, nhà tạm bợ, đến hồi mưa gió mới thấm thía. Những đêm mưa, nước trên trời cứ thế trút xuống, cả nhà thức trắng vì dột. Gió giật mạnh như muốn giật phăng những tấm tôn rỉ rét. Hồi đó mỗi lần mưa bão, dân sống trên Thượng Thành chúng tôi ai cũng được UBND phường đến tận nhà vận động đến nhà ủy ban tránh trú” - bà Lộc nhớ lại.
Biết ơn người hiện thực hóa giấc mơ
Người dân sống tạm bợ trên đất di sản hầu hết là những phận người nghèo khổ, lao động tự do. Với họ, việc hằng ngày phải lo lắng cái ăn cái mặc đã phờ phạc nên chưa bao giờ dám nghĩ sẽ rời khỏi nơi nhếch nhác, tạm bợ ấy để sống trong một căn nhà đúng nghĩa là nhà. Cho đến khi tỉnh Thừa Thiên Huế có Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế”.
Quyết định này như mang đến một luồng gió mới cho người dân nơi đây. Cuộc sống của bà con trong những căn nhà cũ nát do không được sửa sang, cơi nới như được cởi trói khi được chuyển đến Khu dân cư phía Bắc Hương Sơ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, khang trang hơn.
Ông Ân vẫn nhớ như in hôm Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đến khảo sát thực tế. Hôm đó đang ngồi trong nhà thì nghe người hàng xóm bảo, Chủ tịch tỉnh đến thăm và đang đứng ở “lỗ châu mai”-chính là nhà vệ sinh chung của các hộ dân sống sống bám trên Thượng Thành. Ông Ân nghĩ bụng “người dân sống ở đây, cực chẳng đã mỗi ngày mới bước ra đó, chứ lãnh đạo tỉnh thì…”.
Hôm ấy trời nắng gắt, mùi hôi theo cơn gió bao trùm lên những ngôi nhà cạnh đó. Bác Thọ khẽ nói với chúng tôi: “Đi thôi bà con, đừng ở đây nữa. Sống như vậy ảnh hưởng sức khỏe, bệnh mất”. Và từ đó, cuộc sống của người dân Thượng Thành đã sang trang sử mới.
|
|
Người dân vui mừng khi được sở hữu chìa khóa căn nhà mới. |
Trong câu chuyện của người dân nghèo Thượng Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ là người được nhắc tới nhiều nhất. Họ bảo, bác Thọ chính là “Ông bụt” trong lòng họ. Nhiều năm sống bám trên di tích, trong ngôi nhà chật chội, kiệt ra chưa tới 2m. Nhiều người đi làm thuê làm mướn, cuộc sống quá đỗi khó khăn. Đời này, họ chưa bao giờ nghĩ có ngày sẽ được “đổi đời”. Cho đến khi “Ông bụt” xuất hiện, ước mơ về một ngôi nhà khang trang đã được ông hiện thực hóa, đó chính là niềm vui khó tả của những phận người sống treo Thượng Thành.
Ông Phan Ngọc Thọ cũng chính là người dẫn bà con đi xem vị trí đất, vừa là người trao tận tay chìa khóa dẫn người dân vào ngôi nhà mới của chính họ.
Những đợi chờ cũng đã đến, sáng 16/8/2020, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND Phan Ngọc Thọ đã trao tận tay chìa khóa nhà cho 25 hộ nghèo di dời khỏi di tích, trong đó có gia đình ông Ân. “Cái thời khắc lịch sử quan trọng ấy, tôi sẽ không bao giờ quên được. Chính sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước mà cuộc sống gia đình chúng tôi được sang trang mới”-ông Ân chia sẻ.
Tết mới ở khu dân cư Hương Sơ
Những dãy nhà liền kề rộng rãi, thẳng tắp ở khu tái định cư phường Hương Sơ (TP Huế) là địa chỉ mới của người dân Thượng Thành. Đến đây vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán Tân Sửu, không khó để nhận ra không khí vui tươi và sức sống mới ở nơi đây. Tiếng trẻ nhỏ, người già chuyện trò xen lẫn tiếng máy đục, khoan lắp đặt vật dụng gia đình vang lên ở khu “phố mới”.
Những ngày tháng tạm bợ đã lùi vào dĩ vãng, không còn những mái nhà chông chênh, xiêu vẹo, không còn nơm nớp lo âu những đêm trường. Trên gương mặt họ bây giờ hiện rõ ra sự thỏa lòng ước nguyện với chỗ ở mới để “an cư, lạc nghiệp”.
Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã được xây dựng bài bản, từng nóc nhà màu sơn sáng bóng, từng cửa hàng tạp hóa, những quán cà phê bắt đầu manh nha mọc lên. Có gia đình đã dọn về từ nhiều tháng trước, nhiều gia đình khác đang gấp rút hoàn thiện để kịp đón Tết Nguyên Đán 2021.
Trong căn nhà còn vương mùi vôi mới, ông Ân vui mừng cho biết: “Được an cư, có cái nhà che nắng che mưa kiên cố đã là niềm hạnh phúc lớn với tôi cũng như nhiều người đã gắn bó cả một đời, đi qua nhiều mùa xuân trên Thượng Thành. Dù đã quen với cuộc sống ở Thượng Thành, nhưng tính đi cũng phải tính lại. Chúng tôi già rồi thì không sao, nhưng bọn trẻ thì khác, cũng cần có một khoảng không gian riêng để sinh hoạt. Giờ có nhà cửa đàng hoàng để mời tổ tiên về ăn tết, được sum vầy bên con cháu… Mới nghĩ thế mà đã mừng rơi nước mắt”.
Cạnh nhà ông Ân, vợ chồng ông Lê Văn Giây cũng đang loay hoay chuẩn bị đồ đón Tết.
“Mừng lắm, nói chung bà con chúng tôi không ai nghĩ sẽ có cuộc sống ổn định, nhà cửa tiện nghi như bây giờ, giống một giấc mơ vậy đó. Tự nhiên ở rộng quá lại thấy khó ngủ, quanh năm nghe gió thổi vách tường, giờ về đây phải mất mấy ngày tôi mới ngủ được. Còn ít ngày nữa bước sang năm mới, 2 vợ chồng già cũng đã đi sắm thêm những vật dụng nấu ăn và trang trí nhà cửa để cùng chung vui với con cháu, hàng xóm”- ông Giây khoe.
Gần 40 năm sống tạm ở khu ổ chuột, gần như chưa bao giờ bà Lê Thị Cúc (72 tuổi) đón một cái Tết thực sự trọn vẹn. “Ngày trước có tiền ưa chơi hoa tết cũng khó, vì ngõ lên nhà hẹp không chở hoa lên được. Nay có nhà cửa rồi, xe ô tô vào đến tận nhà, Tết này kiểu gì cũng “chơi lớn” mua hoa tết về chơi cho sướng chứ nghèo cả mấy chục năm ni rồi” - bà Cúc bộc bạch.
Ước mơ bao đời về một ngôi nhà của bà con sống ở Thượng Thành đã thành sự thật. Từ ngôi nhà mới, âm thanh trong trẻo vang lên với nhịp sống hoàn toàn khác, nhịp sống theo đúng bản chất của người dân đô thị. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, UBND tỉnh và TP. Huế đã giúp những phận người nghèo khổ được “an cư, lạc nghiệp”, được làm chủ mảnh đất của mình. Dẫu cho phía trước sẽ còn lắm những chông chênh, nhưng họ đã có những nét chấm phá vững chắc đầu tiên trong trang mới của cuộc đời. Một cuộc sống mới với niềm tin và hy vọng mới đã được bắt đầu.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế giai đoạn 1 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 2/2019 với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1, từ năm 2019-2021 sẽ hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho người dân hiện cư trú trong phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm Tường thành, các eo Bầu, hộ Thành hào và Tuyến phòng lộ với 2.938 hộ dân.
Giai đoạn 2, từ năm 2022-2025 dự kiến hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho người dân trong phạm vi các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài, với 1.263 hộ dân.
Mục đích chính của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
|