Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững, đã và đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Ngành du lịch với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, phát triển theo xu hướng du lịch xanh đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tại Việt Nam, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh và đã hình thành các sản phẩm du lịch xanh, được du khách quốc tế và trong nước tích cực đón nhận.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, xuất phát từ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, trong thời gian qua UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo phát triển du lịch toàn diện, trong đó đặc biệt phát triển theo hướng du lịch xanh.

"Việc tổ chức hội thảo "Quảng Nam phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa và Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam" là hành động thiết thực mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời là cơ hội để chúng ta khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch, đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững", ông Trần Văn Tân cho biết.

leftcenterrightdel
 Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh và đã hình thành các sản phẩm du lịch xanh được du khách tích cực đón nhận. (ảnh: KT)

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, “Du lịch bền vững Quảng Nam - du lịch không rác thải nhựa", kế tiếp - du lịch "xanh" là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa - di sản và tài nguyên thiên nhiên…

Tuy nhiên, theo ông, việc thực hiện không dễ, bởi mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu - dài hạn và thiện chí đồng hành. Hơn thế nữa, những tác động ngoại lực về cơ chế chính sách là rất quan trọng. Những kiến nghị từ góc nhìn của doanh nghiệp du lịch sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, ưu tiên - khích lệ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch - dịch vụ xanh tại Quảng Nam. 

Đặc biệt, khủng hoảng COVID-19, như hồi chuông cảnh tỉnh cho chặng đường du lịch đã đi qua. Để tạo hướng đi bền vững, ngành du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025. Định hướng, quyết sách này đang được lan tỏa trong cộng đồng, những nhà làm du lịch và cả hoạt động dịch vụ phụ trợ.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân phát biểu tại hội thảo. (ảnh: LT) 

"Cho dù băng qua khủng hoảng vì đại dịch, kiên định mục tiêu và đồng hành vì du lịch xanh của Quảng Nam bằng chính nội lực và niềm tin của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cũng rất cần sự đồng hành về cơ chế chính sách, cần sự thừa nhận, trân trọng đối với nỗ lực của họ", ông Phan Xuân Thanh nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện chính quyền địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề đang được quan tâm về phát triển du lịch - dịch vụ xanh, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình du lịch xanh trên thế giới, tại Việt Nam và tỉnh Quảng Nam, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh của Quảng Nam - một tỉnh giàu tiềm năng về phát triển du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hoá bản địa.

Trong khuôn khổ hội thảo, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã công bố tiêu chí du lịch xanh và tuần du lịch xanh Quảng Nam 2022.

Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam được xây dựng với sự hỗ trợ của chương trình du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) trên cơ sở tham khảo các tiêu chí của 25 bộ tiêu chí du lịch bền vững được áp dụng trên phạm vi quốc tế và được điều chỉnh để phù hợp với doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ và điều kiện kinh doanh thực tế tại Việt Nam, sau nhiều lần tham vấn ý kiến với đại diện của các doanh nghiệp.

Các bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam bao gồm: (1) Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho khách sạn; (2) Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); (3) Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho khu nghỉ dưỡng; (4) Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho doanh nghiệp lữ hành; (5) Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho điểm du lịch dựa vào cộng đồng; (6) Bộ Tiêu chí du lịch xanh dành cho điểm tham quan. Phạm vi áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian 3 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.

leftcenterrightdel
14 doanh nghiệp tại Quảng Nam tiên phong, cam kết thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. (ảnh: LT) 

Khi tham gia vào bộ tiêu chí, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội được tư vấn chuyên môn và hỗ trợ thực hiện; có cơ hội marketing trên các kênh truyền thông của Quảng Nam và tổ chức quốc tế về du lịch xanh; có cơ hội tham gia mạng lưới du lịch xanh, được kết nối với các công ty lữ hành tên tuổi…

Quảng Nam cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2025 gồm: thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỉ đồng, lao động du lịch đạt 23.000 người; xây dựng khoảng 10 - 20 mô hình du lịch xanh; 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh, bền vững; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện "Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam".

Lê Tâm