Ngày 14/12, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí miền Bắc của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, Quảng Ninh và Việt Trì, ô nhiễm không khí lần lượt ở ngưỡng tím (rất xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người) và ngưỡng đỏ (ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi người).
|
|
Không khí Hà Nội liên tiếp đạt ngưỡng báo động cho sức khỏe con người. Ảnh minh họa. |
Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng nguy hại tại điểm đo Phú Thượng (Tây Hồ) và điểm đo Láng Hạ (Ba Đình) xấp xỉ ngưỡng nguy hại.
Đặc biệt, hệ thống quan trắc PAMAir, với mạng lưới quan trắc dày đặc tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ghi nhận mức độ ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng khi màu tím bao phủ, một số điểm lên ngưỡng nâu như điểm đo tại Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên 340, điểm đo Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) lên 303 (AQI từ 300 là ngưỡng nguy hiểm), điểm đo Hàng Quạt lên tới 345.
Với AQI = 333, Thủ đô Hà Nội đã vượt qua Dhaka - Bangladesh và Sarajevo, Bosnia Herzegovina, trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu, theo bảng xếp hạng của Air Visual. Lúc này, chỉ số AQI tại TP.HCM cũng khá cao - 166 - ở mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe.
Tại các tỉnh miền Bắc sáng nay (15/12), hai điểm đo ở Từ Sơn, Bắc Ninh vẫn ở ngưỡng tím. Hầu hết các điểm đo khác ở ngưỡng đỏ - ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi người.
Nhiều chuyên gia dự báo từ nay đến tháng 3/2020, TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục.
Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí và báo cáo hiện trạng chất lượng không khí của GreenID cũng đưa ra khuyến cáo ở TP Hà Nội, mùa đông ô nhiễm nghiêm trọng hơn mùa hè do các đợt ô nhiễm không khí tăng mạnh, với chỉ số ô nhiễm lên ngưỡng nguy hại trong một số thời điểm.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó có hoạt động đốt rác, đốt rơm rạ. Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được, mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia y tế, một người lớn trung bình hít thở khoảng 15 m3 không khí mỗi ngày. Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, chúng có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến toàn cơ thể, bao gồm cả tim, gan, phổi và hệ hô hấp, hay ngay cả thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.
Trước tình hình ô nhiễm không khí như vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi các thông tin về chất lượng không khí, nhóm nhạy cảm là người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế ra đường. Người dân được khuyến cáo không nên tập thể dục buổi sáng, ra đường nên đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5, ở nhà nên đóng cửa sổ.