Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do phơi nhiễm với các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí.  Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI - ứng dụng Air Quality Index đo chỉ số ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh những ngày gần đây tăng khá cao, dao động từ 100 đến 200. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9/2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9/2019.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (internet) 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60% đến 70% bụi mịn do ô tô, xe máy thải ra.

Để phòng ngừa các bệnh lý cũng như tác hại do ô nhiễm không khí gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần phải nắm được thông tin về mức an toàn trong không khí để có kế hoạch phòng vệ cho bản thân và gia đình.

Trong những ngày mức độ ô nhiễm không khí cao, người dân đặc biệt trẻ em và phụ nữ có thai, người lớn tuổi, hạn chế ra đường  hay tham gia các hoạt động ngoài trời. 

Khi có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí. Các chuyên gia lưu ý, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể lọc được bụi mịn mà chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi. Để ngăn được bụi mịn, cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng như N95 hoặc N99. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi.

Khi về nhà, cũng nên rửa mặt, rửa mũi để giảm thời gian hạt bụi tiếp xúc trên đường hô hấp và trên da. Đồng thời, người dân nhớ nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hạn chế phơi thực phẩm, áo quần, hạn chế sử dụng nước mưa...

Với những gia đình gần khu vực ô nhiễm cao nên đóng cửa những lúc không cần thiết và sử dụng điều hòa để lọc không khí để hạn chế những tác nhân ô nhiễm.

Tuệ Anh(T/h)