Đắm chìm trong không gian ấy, lòng nhẹ nâng, thầm biết ơn những con người đã góp tay giữ “ngôi nhà xanh”. Chúng tôi đã tìm gặp những “người giữ nhà” tận tâm của “ngôi nhà xanh”, những “bảo mẫu” của thú hoang dã tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã để nghe họ chia sẻ những trăn trở vì tình yêu động vật, thiên nhiên, góp phần lan toả thông điệp, bảo vệ môi trường sống là bảo vệ chính mình…

Đau lòng trước số phận những động vật được cứu hộ

Đó là tâm sự chị Nguyễn Thu Thuỷ, điều phối viên chương trình cứu hộ, đào tạo và là quản lý động vật của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, khi trao đổi với phóng viên về những buồn, vui nghề cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD).

Mang sứ mệnh bảo tồn thiên nhiên của Quốc gia, tại Cúc Phương, các nhân viên làm công tác bảo tồn động vật hoang dã được đào tạo chi tiết, có kinh nghiệm, đảm bảo từ chế độ dinh dưỡng đến chăm sóc y tế đều được thực hiện bài bản và đúng hướng dẫn.

leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Thu Thuỷ trong chuyến đi cứu hộ rùa ở Hải Dương năm 2023.

Nói về công việc hàng ngày ở Trung tâm Bảo tồn rùa (TTC), Vườn Quốc gia Cúc Phương, nơi chị Thuỷ đã gắn bó gần 10 năm, chị cho biết: “Mỗi ngày Trung tâm bắt đầu từ 7h sáng bằng công việc kiểm tra chung tất cả các loài và khu chăm sóc rùa. Sau đó cập nhật, báo cáo tình hình khu vực mỗi người phụ trách. Tôi trao đổi với mọi người chương trình làm việc và điều phối các hoạt động để cùng nhau làm. Nhóm chăm sóc động vật sẽ chuẩn bị và cho rùa ăn, vệ sinh khu nuôi nhốt, làm giàu môi trường, giám sát rùa và trứng trong mùa sinh sản. Nhóm thú y thảo luận lịch khám chữa bệnh và chăm sóc cho những cá thể mới được cứu hộ hay bị thương. Sau đó, chúng tôi kiểm tra lồng ấp trứng, quan sát có chú rùa nào chào đời trong ngày mới hay không, và chăm sóc các quả trứng trong lồng ấp”.

Với đặc thù là đơn vị cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD), công việc của các nhân viên cứu hộ nơi đây rất bận rộn, họ làm việc tất cả các ngày, không kể nghỉ lễ và cuối tuần, luân phiên nhau chăm sóc động vật. Công việc cứu hộ diễn ra liên tục, nhận được tin động vật tịch thu từ buôn bán trái phép là các nhân viên sắp xếp lên đường đi, bất kể ngày giờ. “Chúng tôi thường xuyên hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật và đơn vị đối tác nhận dạng các loài rùa bị rao bán, hướng dẫn phương án chăm sóc tạm thời trong khi chờ nhóm cứu hộ tới. Đồng thời, hợp tác với các trung tâm cứu hộ và khu bảo tồn trong nước nhằm giải cứu động vật và phối hợp các hoạt động thả rùa về tự nhiên”, chị Thuỷ chia sẻ.

Chia sẻ về những tâm huyết với nghề, chị Thuỷ bày tỏ: Được làm công việc với các loài mình yêu thích và gần gũi với thiên nhiên là niềm vui rất lớn đối với chị. Thêm vào đó, bên cạnh chị có một đội ngũ đồng nghiệp luôn hỗ trợ lẫn nhau và hết lòng vì công việc. Chị tìm được những người bạn cùng nghề bảo tồn có chung nhiệt huyết, nhận được sự ủng hộ của đối tác trong và ngoài nước, và từ người thân. Chị cũng may mắn được đi và chia sẻ, học tập nhiều nơi để làm việc hiệu quả hơn. Đó là những động lực giúp chị tiếp tục công việc cứu hộ và bảo tồn nhiều khó khăn, chông gai này.

Mỗi lần cứu hộ động vật là một lần thấy những số phận đáng thương đã phải trải qua quá trình dài ngày bị mắc bẫy, bị thương và vận chuyển trên đường tới nơi tiêu thụ. Chứng kiến những cá thể bị hoại tử do bẫy bắt, trải qua căng thẳng và đau đớn, kiệt sức do không được ăn uống hay bị sốc nhiệt khiến chúng tôi rất đau lòng.

 Trung tâm Bảo tồn rùa, Vườn Quốc gia Cúc Phương hiện có hơn 2000 cá thể của 24 loài rùa bản địa ở Việt Nam. Đến nay, TCC có 14 thành viên và 2 tình nguyện viên quốc tế làm việc dài hạn, tăng gấp 3 lần số lượng động vật và nhân viên so với năm 2015. Để có thể đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các loài rùa tại đây, mỗi thành viên ở TCC đều cố gắng nỗ lực không ngừng, không ngại vất vả với mong muốn cứu hộ thành công nhằm đưa các loài trở về tự nhiên an toàn và mạnh khỏe. Các thành viên trong trung tâm có 80% đến từ cộng đồng địa phương quanh VQG Cúc Phương, 60% là dân tộc Mường bản địa tại Cúc Phương.

Chị Thuỷ cho biết thêm, gần đây nhất, TCC tiếp nhận gần 100 cá thể rùa “được phóng sinh” trong hồ lớn ở một ngôi chùa tại miền Trung. Trong đó, phần lớn là các loài nguy cấp quý hiếm như: rùa núi vàng, rùa sa nhân, rùa cổ sọc, rùa đất lớn, rùa răng, rùa đất pulkin và rùa đất sê-pôn. 20% số rùa bị thả xuống nước phóng sinh là loài sống trên cạn (rùa núi vàng, rùa sa nhân). Trong số các loài rùa nước thì nhiều cá thể đã bị trầy xước, mất ngón chân, nhiễm trùng nặng. Một số cá thể rùa cái đang mang trứng nhưng do bị nhiễm trùng và sức khỏe yếu dẫn đến tắc trứng, không thể sinh sản được. Các bác sĩ thú y phải tiến hành mổ cắt chi và lấy trứng ra để cứu rùa mẹ. Có những cá thể rùa mẹ do bị bệnh nặng không có khả năng cứu chữa. Với ca mổ thành công, rùa mẹ an toàn nhưng hầu như sẽ không có cơ hội được trở về tự nhiên sau này nữa vì không đủ sức khỏe để tự sinh tồn hoặc bị khuyết tật.

Từ vụ việc trên, chị Thuỷ nêu khuyến cáo, hoạt động phóng sinh theo tín ngưỡng không những có thể vi phạm pháp luật vì mua ĐVHD không có giấy phép, mà còn vô tình thúc đẩy hành vi săn bắt trái phép trong tự nhiên phục vụ thương mại cho mục đích phóng sinh này. Đồng thời, mang lại nhiều hệ lụy đau đớn cho động vật khi phóng sinh hoàn toàn sai cách.

Bên cạnh chăm sóc, bảo tồn các loài động vật hoang dã quý, hiếm, tại các Trung tâm hiện nay có một trọng trách vô cùng quan trọng là chăm sóc, nuôi dưỡng những cá thể động vật hoang dã là tang vật của vụ án do các cơ quan chức năng đang giải quyết.

Chia sẻ về việc này, chị Thuỷ cho biết: Những trường hợp ĐVHD là tang vật vụ án do cơ quan điều tra bắt giữ thường là các ca cứu hộ khẩn cấp và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngay khi nhận được tin báo, chúng tôi sẽ xác định nhanh chóng số lượng cá thể mỗi loài thông qua hình ảnh từ cơ quan điều tra, hướng dẫn họ các bước chăm sóc cơ bản ban đầu để giữ động vật ổn định trong khi chờ nhóm cứu hộ tới. Trung tâm cử một nhóm chuẩn bị xe, dụng cụ vận chuyển, thuốc men và vật tư thú y để lên đường sớm nhất có thể. Một nhóm ở lại phụ trách chuẩn bị khu vực kiểm dịch và chuồng nuôi sẵn sàng trước khi động vật về tới Trung tâm. Tới cơ sở bắt giữ tang vật, nhóm cứu hộ sẽ kiểm tra tất cả các cá thể rùa, cung cấp nước uống và thức ăn, xử lý vết thương và tách riêng các cá thể khỏe mạnh với rùa bệnh nhằm tránh lây nhiễm chéo cho nhau. Động vật được đưa vào các thùng vận chuyển an toàn trên đường cứu hộ về Trung tâm. 

leftcenterrightdel
 Chăm sóc động vật hoang dã là lan toả tình yêu cộng đồng. 

Tại TCC, các nhân viên sẽ tiến hành khám sức khỏe, sắp xếp chuồng nuôi phù hợp cho mỗi loài/cá thể. Các cá thể cứu hộ được kiểm dịch tối thiểu 90 ngày trong khu vực cách ly để tẩy kí sinh trùng, điều trị và theo dõi, chăm sóc đặc biệt. Sau khi có quyết định xử lý tang vật và động vật được phục hồi hoàn toàn khỏe mạnh sau thời gian kiểm dịch, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á và VQG Cúc Phương sẽ lên kế hoạch thả các loài về lại tự nhiên trong các VQG và khu bảo tồn.

Tận mắt chứng kiến, nghe những câu chuyện kể mới thấy khâm phục sự cống hiến thầm lặng của các cán bộ bảo tồn và cảm nhận được ý nghĩa nhân văn trong công việc của nhân viên Trung tâm đang làm. Từ nỗi đau khi mắt thấy, tai nghe tiếng kêu nhói lòng, ánh mắt long lanh cầu cứu của các loài động vật...đã truyền thêm động lực, tình yêu để họ gắn bó với nghề. Nhờ những con người ấy mà Vườn Quốc gia Cúc Phương không chỉ là nơi sinh sống mà còn hồi sinh nhiều cá thể đang gặp nguy cấp.

Nhiều rủi ro và nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ từ nghề

Nhìn những vết sẹo dài trên cánh tay anh Nguyễn Tất Hà, cán bộ thú y tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), phóng viên bày tỏ quan tâm, anh Hà chia sẻ: Cách đây gần 10 năm về trước, trong quá trình chăm sóc cá thể khỉ mốc, anh bị con thú vồ, cào, rách da, thương tích một bên cánh tay, đến nay vẫn còn để lại những vết sẹo sâu. “Lần đó, do tôi có một quãng thời gian nghỉ phép, xa cách các động vật, khi quay trở lại làm việc, con vật chưa quen hơi, đồng thời cũng do thời điểm động đực, con thú bị kích động hơi người khách tham quan nên anh đã bị khỉ vồ, bị thương”, anh Hà cho biết thêm.

20 năm gắn bó với nghề, anh Hà cho rằng, chăm sóc động vật cũng như một bác sĩ cấp cứu người bệnh, rất cần sự tận tâm, xử trí nhanh chóng để cứu chữa kịp thời những động vật đang cần được cứu hộ. Bởi vì, động vật hoang dã khi được đưa vào Trung tâm, thường là những động vật bị săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển nhiều ngày, bị bỏ đói nên yếu và bị thương, bị chết…rất đau xót.

Câu chuyện khiến anh Hà còn ấn tượng. Đó là, năm 2021, Trung tâm tiếp nhận 7 cá thể hổ con được giải cứu trong vụ án Buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã xảy ra tại địa bàn huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu. Những cá thể hổ con Đông Dương (Panthera Tigris), mới khoảng 40 ngày tuổi, lại bị nuôi nhốt, thiếu ăn nhiều ngày nên khi về đến Trung tâm, con nào cũng có vấn đề về sức khỏe, bị bệnh đường ruột, có biểu hiện tiêu chảy. Trong khi, điều kiện nuôi nhốt hổ ở Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 Các nhân viên cứu hộ kịp thời những cá thể hổ con bị bắt giữ trong một vụ án, tại Vườn quốc gia Pù Mát.

Sau khi tiếp nhận, Trung tâm có chế độ chăm sóc đặc biệt, dành những điều kiện tốt nhất để cứu hộ, chăm sóc. Các bác sĩ thú y đã dùng thuốc kháng sinh và men tiêu hóa để ổn định đường ruột cho chúng. Sau khoảng 10 ngày được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, những chú hổ con hồi phục sức khỏe rất nhanh, dần thích nghi môi trường và bắt đầu vận động. "Hổ con được cho uống sữa nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày bình quân một con hổ uống 6 lần sữa, chia đều 4 giờ/lần. Ngày nào cũng vậy, từ 4 giờ sáng, anh em chúng tôi đã phải thức dậy cho hổ ăn. Chúng tôi thay nhau cho hổ bú sữa, giống như những em bé sơ sinh. Có những đêm, chúng tôi không ngủ, trải tấm chiếu nằm tạm cạnh chuồng để chăm sóc, cho hổ con bú sữa" - anh Hà nói.

Thời điểm đó, cứ cách 2 ngày, nhân viên chăm sóc sức khỏe cân kiểm tra trọng lượng hổ con một lần. Sau 2 tuần chăm sóc, các chú hổ con đều tăng cân, từ 0,8 - 1 kg. Con bé nhất, khi mới tiếp nhận là 2,9 kg, sau tăng dần và sau đó, các con vật đã được bàn giao, thả về tự nhiên. Đó là niềm vui khôn tả xiết của những người làm công tác bảo hộ ĐVHD nơi đây.

Theo anh Hà, ở đây ngày cũng như đêm, khi nghe điện thoại báo có ĐVHD bị thương, bị buôn bán trái phép được lực lượng chức năng thu giữ cần hỗ trợ, các anh liền có mặt tại hiện trường để kịp xử lý chuyên môn.

Công việc dù khó khăn, vất vả như vậy, chế độ chính sách cũng không cao, nhưng “Niềm vui của chúng tôi là mỗi ngày nhìn những con vật được giải cứu đang được nuôi nấng, chăm sóc ở trung tâm này chạy nhảy, vui đùa. Và khi mỗi cá thể phát triển khỏe mạnh có thể trở về với môi trường sống tự nhiên là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác bảo tồn như chúng tôi" - anh Nguyễn Tất Hà, chia sẻ.

 Thông điệp gửi thế hệ trẻ

Để vượt qua được những vất vả, gian khó trong công việc chăm sóc, bảo tồn  ĐVHD như những nhân viên Trung tâm VQG Cúc Phương hay Pù Mát, chỉ có thể lý giải, vì họ mang trong mình một tình yêu  đặc biệt với động vật và có lý tưởng sống vì trách nhiệm lớn với cộng đồng.

Tạm chia tay những nhân viên bảo hộ động vật rừng Quốc gia Cúc Phương, chị Thuỷ nhắn gửi thông điệp lan toả đến thế hệ trẻ: Chúng ta là nguyên nhân khiến nhiều loài ĐVHD bị đe dọa và tổn thương, và chỉ có chúng ta mới có thể thay đổi tình trạng này. Số phận các loài ĐVHD nằm trong sự hiểu biết và hành động của mỗi cá nhân. Công việc bảo tồn ĐVHD là một hành trình dài nhiều năm mới thấy được kết quả. Mong rằng thế hệ trẻ sẽ là những người tiếp nối làm nên sự thay đổi và được chứng kiến sự thay đổi tốt đẹp đó.

Cần đảm bảo an toàn cho cả người và ĐVHD trong quá trình cứu hộ

Chia sẻ về nguy cơ lây bệnh giữa động vật với cán bộ bảo hộ và ngược lại, bà Nguyễn Thu Thuỷ kiến nghị: Trung tâm cứu hộ cần phải có quy trình kiểm dịch và phòng chống lây bệnh giữa người và động vật, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh giữa các loài động vật với nhau. Các bệnh truyền nhiễm giữa nhóm rùa và con người không có nhiều rủi ro như giữa người và các loài thú. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do Salmonella và Ecoli cũng là các bệnh cần được chú ý kiểm soát và phòng ngừa. Tại Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương, chúng tôi cung cấp quần áo đồng phục làm việc, găng tay, ủng, mũ và khẩu trang, các dung dịch khử trùng và xà phòng sát khuẩn được đặt quanh trung tâm. Nhân viên được yêu cầu tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tại TCC. Việc đảm bảo an toàn cho cả người và ĐVHD trong quá trình cứu hộ và chăm sóc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thông tin cập nhật về bệnh truyền nhiễm giữa người và ĐVHD cần được chia sẻ phổ biến rộng khắp các đơn vị cứu hộ trên cả nước và nguyên tắc kiểm dịch cũng như các phương pháp phòng chống dịch bệnh cần được ưu tiên thực hiện.


An Khánh - Hoài Thu