Đến với xã Hoà Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình- một xã nghèo xa trung tâm, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật được gặp và chia sẻ với Đại lý thu là bà Bùi Thị Loan - một trong những đại lý thu BHXH của xã chia sẻ. Người phụ nữ ở tuổi 62 này đã có 10 năm làm đại lý thu BHXH, trong đó có 8 năm liền đạt và vượt chỉ tiêu giao.

Kể về những ngày bắt đầu vào nghề, bà Loan không giấu nổi xúc động chia sẻ:  “Làm đại lý phải tâm huyết với nghề, vận động đối tượng mọi lúc mọi nơi, không ngại mưa nắng, gặp gỡ nói về quyền lợi của BHXH tự nguyện, BHYT để người dân hiểu. Với BHXH tự nguyện thì phải kiên trì, linh hoạt  đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát, chọn lọc đối tượng tiềm năng để vận động hiệu quả”

leftcenterrightdel
 Đại lý thu là bà Bùi Thị Loan - một trong những đại lý thu BHXH xã Hoà Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình

Bà Loan nói về những điểm thay đổi của chính sách BHXH tự nguyện, giải thích rõ cho người dân hiểu mức đóng bảo BHXH tự nguyện tăng do chuẩn nghèo tăng lên. Nhưng thông tin về cách thức đóng rất linh hoạt, nếu điều kiện cho phép, người dân có thể đóng liền 3 tháng, 6 tháng, nếu khó khăn, người tham gia có thể đóng theo tháng với mức tối thiểu gần 300.000 đồng/người/tháng…được bà Loan truyền tải đến người dân linh hoạt, có thể trong những buổi tuyên truyền nhóm nhỏ, có khi đến tận nhà, hay đến nơi người dân đang lao động sản xuất để chuyện trò…

Thậm chí, có trường hợp khó khăn, chưa thu xếp được khoản tiền đóng BHXH, buộc phải tạm dừng tham gia, bà Loan cho họ vay tiền đóng để quá trình tham gia không bị gián đoạn. Bà cũng tham mưu cho BHXH địa phương để hỗ trợ người dân khi làm thủ tục mất thẻ, đổi thẻ được thuận lợi nhất. Bà Loan chia sẻ thêm.

Niềm vui của người dân khi biết tời chính sách BHXH tự nguyện

Trong cái nắng chang chang của ngày cuối tháng 5, chị Hồ Thị Mai (thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Tôi đi làm thuê, công việc không ổn định, thu nhập chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng; trong khi đó chồng tôi mất sớm, hai con còn nhỏ, đang tuổi ăn học. Được cán bộ Chi hội phụ nữ đến nhà vận động, lại được biết Nhà nước sẽ hỗ trợ cho tôi 30% mức đóng nên tôi cũng cố gắng tính toán, cân đối tài chính để tham gia.

“Chính vì cuộc sống khó khăn, nên tôi cố gắng tích lũy tham gia BHXH tự nguyện để sau này có tiền lương hưu, có thể tự lo cho bản thân, không phải nhờ đến con cái. Mình khổ rồi, nên không muốn con cũng phải khổ theo”.

Còn chị Nguyễn Thị Duân, thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy chia sẻ: “Tuổi già có lương hưu sẽ bớt khổ, không phải phụ thuộc vào con cháu, nên tôi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2016”. Chị cho biết thêm, chính vì thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện nên sau khi chị tham gia, chồng chị cũng tiếp tục mua BHXH tự nguyện để có được tương lai đảm bảo sau này.

leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Thị Duân, thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện tham gia cho cả gia đình.

Những người như chị Duân, chị Mai chỉ là hai trong số hơn 370 người tham gia BHXH tự nguyện của xã Hoa Thủy. Thành công này đến từ những nỗ lực tuyên truyền, vận động của BHXH địa phương, của chính quyền các cấp và đặc biệt là của đại lý thu BHXH trên địa bàn. Qua câu chuyện của những người tham gia BHXH tự nguyện mới thấy những “cánh tay nối dài” của BHXH đã kiên trì, linh hoạt trong việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân không quản nắng mưa.

leftcenterrightdel
 Tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyên, BHYT hộ gia đình theo nhóm nhỏ tại Lệ Thủy, Quảng Bình.

Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho biết, Hoa Thủy là một trong những địa phương khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh, người già cơ bản sống nhờ con, cháu. Từ khi chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được triển khai, Đảng ủy, UBND xã xác định rõ việc đưa chính sách đến với người dân là giải pháp quan trọng giúp họ có điểm tựa an sinh khi về già hoặc khi không may bị ốm đau, bệnh tật…

Tính đến tháng 5/2022, xã Hoa Thủy có hơn 370 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng gần 10% lực lượng lao động trong độ tuổi (gấp hơn 4 lần mức trung bình chung của cả nước), hơn 2.000 người tham gia BHYT hộ gia đình, nâng số người tham gia BHYT đạt hơn 91% dân số.

Theo BHXH huyện Lệ Thủy, trong 5 tháng đầu năm 2022, số người tham gia BHXH do BHXH huyện quản lý là 11.865 người, tăng 63 người so với cuối năm 2021, trong đó:

+ Tham gia BHXH bắt buộc 7.027 người, tăng 22 người so với cuối năm 2021, đạt 92,9% kế hoạch BHXH tỉnh giao. BHXH huyện đã phối hợp với Chi cục Thuế huyện rà soát, nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp và cơ bản đã khai thác triệt để 100% doanh nghiệp, lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

+ Tham gia BHXH tự nguyện 4.838 người, tăng 41 người so với cuối năm 2021, đạt 79% kế hoạch BHXH tỉnh giao; đạt 5,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

- Tham gia BHYT: 125.563 người, tăng 1.540 người so với cuối năm 2021, đạt 98,1% kế hoạch BHXH tỉnh và đạt tỷ lệ bao phủ dân số là 91%.

- Tham gia BHTN do BHXH huyện quản lý: 6.083 người, tăng 16 người so với cuối năm 2021, đạt 93,1% kế hoạch BHXH tỉnh giao.


Ngọc Anh