Từ cuối tháng 1/2020, bệnh dịch Covid-19 dần bùng phát mạnh, vươn khỏi Vũ Hán và lây lan ra nhiều nước trên thế giới, nhanh chóng trở thành một sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu, gieo rắc nỗi khiếp sợ cho nhân loại với số ca mắc bệnh, số người tử vong liên tiếp có chiều hướng tăng lên mỗi ngày, diễn biến khó lường.

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương chuẩn bị một số địa điểm cách ly tập trung để có thể tiếp nhận công dân Việt Nam từ các vùng có dịch trở về trên địa bàn TP.

Trong đó, Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) là  một trong những địa điểm được chọn để tiếp nhận, cách ly khoảng 250 công dân Việt Nam trở về nước.

leftcenterrightdel
Các y, bác sĩ khi ra vào các khu cách ly đều được trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng theo đúng quy trình của Bộ Y tế.

Trưa ngày 24/2, chuyến bay đưa 80 hành khách từ TP Daegu (Hàn Quốc) - vùng tâm dịch của Hàn Quốc về đến sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ngay sau đó, Xe chuyên dụng chở đã 22 vị khách Hàn Quốc về cách ly ở Bệnh viện Phổi. Trong khi đó, 56 du học sinh, người lao động người Việt Nam được đưa về cách ly tại Trung huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ do quân đội quản lý.

Nhận được thông báo điều động tới Trung huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ hỗ trợ gấp.  Hai nữ điều dưỡng Trần Thị Dạ Nhung (SN 1990, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và Nguyễn Thị Hồng Vân (SN 1994, trú huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vội vàng chuẩn bị 1 số đồ dùng cần thiết rồi cùng đoàn bác sĩ, nhân viên y tế Trung tâm y tế huyện Hòa Vang lên đường ngay trong khi chưa kịp gọi 1 cuộc điện thoại về nhà…

“Đến hôm nay là đã 13 ngày kể từ lúc trung tâm tiếp nhận 56 bạn từ Hàn Quốc về nước, cũng là từng ấy ngày hai chị em chưa rời khỏi trung tâm. Lúc đầu mình cũng sợ, lo lắng lắm chứ nhưng luôn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ…” – Dù đã chuẩn bị tâm lí và cũng đã trải qua  "cuộc chiến" với dịch bệnh khác nhau, nhưng khi đối mặt với dịch Covid-19 chị Nhung cũng có những cảm xúc rất đời thường.

Chia sẻ về công việc thăm khám sức khỏe cho những người tại đây, chị Nhung cho biết, ngày đầu tiên, các công dân sau khi được tiếp nhận sẽ tiến hành kê khai tiền sử nơi đi, nơi đến và địa phương sinh sống, thực hiện khám sàng lọc sức khỏe rồi đưa về khu cách ly theo quy định.

leftcenterrightdel
Tinh thần trách nhiệm cao và tình yêu nghề nghiệp của các y, bác sĩ
“Nhóm 56 trường hợp du học sinh, người lao động người Việt Nam được đưa về trung tâm cách ly đầu tiên, không ai có biểu hiện sốt. Tuyhnhiên không phải vì thế mà chúng tôi chủ quan.  Hằng ngày, mọi người sẽ được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt ngày 2 lần vào 8h sáng và 2h chiều… Những trường hợp phát hiện bất thường sẽ được chuyển vào khu cách ly đặc biệt.” – chị Nhung nói.

Ngoài ra, các chị luôn nhắc các công dân thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách... đồng thời thực hiện đúng theo quy trình cách lý.

Trung tâm cũng sẽ thực hiện phun thuốc khử trùng nhiều lần trong ngày ở tất cả các khu vực, từ nhà ăn đến nơi nghỉ ngơi của công dân cách ly và cán bộ, chiến sỹ.

“Dù rất nhớ nhà và phải sinh hoạt tập trung nhưng ở đây bọn em thấy rất thoải mái và cảm giác an toàn. Các điều kiện về sinh hoạt đều được đảm bảo và thậm chí có thể nói là rất khoa học, sạch sẽ.

Ngoài việc được cán bộ chiến sỹ chăm lo từ miếng ăn, đồ dùng cá nhân, được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động thể dục thể thao trong môi trường an toàn, thoải mái…… bọn em còn được bác sĩ, các chị điều dưỡng thăm khám sức khỏe thường xuyên,  động viên về tinh thần rất tận tình.” – Một nữ du học sinh chia sẻ.

Công việc thăm khám sức khỏe cho những trường họp cách li tập trung ở đây tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lại không hề nhẹ nhàng chút nào.

Những ngày đầu khi mới bắt đầu tiếp nhận các trường hợp cách ly lượng người đông, đến cả trăm người, trung tâm nhận ca liên tục trong khi chỉ có hai nữ điều dưỡng nên công việc rất vất vả.

leftcenterrightdel
 Hằng ngày, mọi người sẽ được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt ngày 2 lần vào 8h sáng và 2h chiều…

Như ngày 27/2, tưởng sẽ được nghỉ ngơi, nhưng lại là ngày chị em phải “chạy” nhiều nhất, đến 3h, 4h sáng vẫn còn nhận thêm trường được đưa tới cách ly, theo dõi… 6h sáng đã dậy “súc miệng” với những cuộc điện thoại  nhận thêm người.              

Giờ giấc sinh hoạt không theo đồng hồ sinh học. Có hôm đi phát khẩu trang cho mọi người về, nghỉ tay, vừa cầm đũa lên lại nhận được điện thoại báo nhận thêm người, hai chị em lại phải đi chuẩn bị sẵn sàng… đến tối khuya mới có hạt cơm vào bụng.” – Chị Vân chia sẻ.

Chưa kể đến việc, khi làm việc các nhân viên y tế sẽ rửa tay, sát khuẩn, phải mặc quần áo bảo hộ kín mít, đeo các loại khẩu trang, mắt kính đặc biệt, bí bách và chỉ được “nghỉ giải lao” sau 4h khoác lên mình bộ đồ bảo hộ vừa nặng vừa khó dịch chuyển…

“Hon nữa, đã mặc bộ đồ đó thì không được cởi ra cho tận khi được phép và được cởi một cách có “quy trình” để tránh lây nhiễm virus. Đối với những người không quen mặc thì ngoài việc khó thở, bí bách mồ hôi còn chảy như mưa thậm chí mình ngứa còn không được gãi, buồn vệ sinh không được đi…” – chị Vân vừa cười vừa giải thích.

leftcenterrightdel
 Nữ điều dưỡng luôn cảm thấy tự hào khi được đơn vị tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng này, tự hào vì được góp sức mình đẩy lùi bệnh dịch nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.

Phụ nữ  làm ngành y, khó khăn trong công tác vốn không thiếu nhưng hai  nữ điều dưỡng luôn cảm thấy tự hào khi được đơn vị tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng này, tự hào vì được góp sức mình đẩy lùi bệnh dịch nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.

“Đa số là các bạn trẻ, ai cũng buồn vì về đến Việt Nam mà không được gặp gia đình, gặp người thân nhưng tất cả đều rất hợp tác với bác sĩ. Hiện tại có 272 người được cách li tại đây, sức khỏe đều đảm bảo. Dự kiến nếu không nhận thêm trường hợp khác thì ngày 14/3 sẽ được trở về nhà. Nhiệm vụ ban đầu khá vất vả nhưng đổi lại thấy mọi người khỏe mạnh là mình thấy vui hơn cả.” – Điều dưỡng Vân tâm sự.

Nghe đồng nghiệp nhắc đến gia đình, giọng chị Nhung lại trầm lại. Mặc dù chỉ cách nhà 3km, thế nhưng 2 tuần qua chị vẫn chưa về nhà, giao tiếp với gia đình hoàn toàn qua điện thoại.

leftcenterrightdel
 Bộ chỉ huy Quân sự và Sở Thông tin- Truyền thông thành phố Đà Nẵng tặng quà, động viên đội ngũ y, bác sĩ, diều dưỡng nữ  tiếp tục thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.

“Nhiều lúc nhớ mẹ lắm, những năm trước 8/3 mua quà tặng mẹ, cùng mẹ đi ăn, năm nay thì…  Chỉ muốn chạy ù về nhà một chút nhưng mẹ động viên hoàn thành công việc và cũng là để tự bảo vệ những người thân xung quanh.”

Còn với chị Nhung cũng như biết bao người phụ nữ khác phải “thường trú” trong trung tâm nên không chu toàn được việc gia đình, chăm sóc được con cái. Nhưng rồi chị phải gạt sang một bên niềm riêng để chiến đấu với kẻ thù giấu mặt, để ngày kết thúc chuyến “công tác” đặc biệt đến gần hơn…

 “Lúc đầu nhớ nhà, nhớ con lắm, gọi về  khóc suốt. Giờ thì quen rồi với lại bận tối mắt tối mũi  không có thời gian nhớ nữa. Đến mức giờ gọi về con không để ý tới mẹ nữa.”

Hỏi chị có buồn khi không thể nhận được quà 8/3 của chồng không, chị cười vui: “Nhiệm vụ là trên hết mà, quà thì về đòi chống bù sau thôi…”

 

 

 

Lê Tâm