leftcenterrightdel
 Mang hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ.

"Lá đành đùm lá rách, thương người như thể thương thân" là giá trị truyền thống, đạo lý của người Việt bao đời nay. Triệu tấm lòng đều đang hướng về những vùng đất bị cô lập, nơi nhiều người đang mong chờ sự hỗ trợ. Ai có gì thì giúp nấy, người có nhiều giúp nhiều, người khó khăn ít chia sẻ với người khó khăn hơn. Các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, dù thiệt hại rất nặng nề sau bão vẫn "nhường" suất cứu trợ của Trung ương cho các địa phương khác khó khăn hơn…

Sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, hành động đẹp, nghĩa cử đẹp với tinh thần tự giác cao độ, đã và đang bừng dậy, tỏa sáng ở khắp nơi trong cả nước, kịp thời chia sẻ, sưởi ấm, động viên những người dân đang trong cơn hoạn nạn. "Một nắm khi đói bằng một gói khi no…" thực sự đúng trong những thời khắc gian nan như thế này ở những địa phương đang bị thiệt hại bởi bão lũ, lở đất.

Cảm động biết bao khi đọc, khi thấy những hình ảnh về nghĩa tình đồng bào trong lúc khó khăn, không kể già, trẻ, lớn bé, ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về miền Bắc thân thương. Đó là việc một thanh niên chèo thuyền lao ra giữa sông Hồng chảy siết để cứu nạn nhân bị rơi do sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Thượng úy Công an Nguyễn Đình Khiêm (27 tuổi) đã liều mình cứu đồng đội khỏi nguy hiểm, anh đã hy sinh trong đợt tham gia phòng, chống bão Yagi. Có những chuyến xe từ Huế viết rằng, để trả nợ ân tình người miền Bắc năm nào cũng cứu trợ miền Trung. Thuyền nan của người dân Quảng Bình chuyển ra miền Bắc. Có cả những chuyến xe từ Móng Cái, từ Hạ Long (Quảng Ninh) - nơi vừa hứng bão quét qua cũng lên đường tiến lên cứu trợ miền núi. Những người dân vùng ngập của Hà Nội cũng tình nguyện đi cứu trợ, vẫn gửi tiền, gửi hàng tới nơi miền núi khó khăn hơn.

leftcenterrightdel
Người dân quận Long Biên, Hà Nội chuẩn bị hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ bà con vùng mưa lũ tại Lào Cai.

Vì vậy, những lúc như này, thật phẫn nộ với những ai lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để trục lợi, lợi dụng tình hình mưa lũ để lấy cớ tăng giá bất hợp lý, lợi dụng bão tố để gây ra "bão giá", đặc biệt là việc tăng giá thiết bị cứu hộ (như áo phao…) hay lợi dụng từ thiện để trục lợi. Khi nhu cầu gia tăng, việc tăng giá không hợp lý tạo gánh nặng tài chính cho những người cần sự cứu trợ. Đây là thời điểm rất cần trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, cùng chia sẻ gánh nặng với cộng đồng, đừng "té nước theo mưa", trục lợi trên sự đau khổ của đồng bào.

Việc tăng giá bất hợp lý các mặt hàng cứu trợ thiết yếu trong thời điểm thiên tai không chỉ vô đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý. Nhưng quan trọng hơn cả là ý thức tự giác, là trách nhiệm của người kinh doanh. Ý thức, trách nhiệm này phải làm sao thấm đẫm trong từng mớ rau, manh áo, từng chai nước, từng thùng mì tôm, lương khô hay các vật liệu xây dựng để dựng lại nhà mới, sửa thêm cái nóc…. Trong lúc khó khăn này, giá cả gắn trên mỗi loại hàng hóa với cái tâm hướng về đồng bào thì không chỉ có ý nghĩa của trị giá theo đơn giá mà còn mang giá trị của con người, của tình yêu thương.

Trong Công điện 95/CĐ-TTg ban hành ngày 13/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính, gây tác hại đến đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Mỗi người một tấm lòng, một sự đóng góp, làm cho tình đồng bào sâu đậm hơn, lòng người ấm áp hơn. Dẫu phía trước còn nhiều gian nan, thách thức, song tinh thần "nhường cơm sẻ áo", đùm bọc lẫn nhau trong lúc hoạn nạn đã và sẽ trở thành nguồn năng lượng quý giá giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, mất mát, để cuộc sống mau ổn định trở lại.

Cả nước luôn bên cạnh, đồng hành, sẻ chia và ủng hộ đồng bào vùng mưa lũ.

Đức Tuân