Theo đó, Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân khi về già. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nông dân, người lao động làm nghề dịch vụ vận tải, sản xuất, kinh doanh trong các hợp tác xã (HTX) chưa tham gia chính sách BHXH tự nguyện.

Hơn 40 nghìn người hưởng lương hưu

Hơn một năm qua, ông Hoàng Minh Độ, 62 tuổi ở phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) được hưởng lương hưu hằng tháng. Ông chia sẻ từng là cán bộ công tác tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh, có gần 14 năm đóng BHXH bắt buộc, còn thiếu 6 năm 2 tháng nữa mới đủ 20 năm đóng BHXH. Sau khi tìm hiểu, ông quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần cho số thời gian còn thiếu.

Đều đặn hằng tháng ông được nhận khoản lương hưu hơn 2,6 triệu đồng/tháng. Với người cao tuổi, niềm vui thật giản dị là thấy mình có ích cho gia đình và xã hội, chủ động lo chi phí sinh hoạt cho bản thân, thong dong với niềm vui chăm chút sân vườn, nhà cửa mà không trở thành gánh nặng cho con cháu. Nhờ được Nhà nước cấp thẻ BHYT, hằng tháng ông Độ được khám sức khỏe định kỳ, cấp thuốc điều trị bệnh huyết áp cao.

leftcenterrightdel
 Với người cao tuổi, niềm vui thật giản dị là thấy mình có ích cho gia đình và xã hội, chủ động lo chi phí sinh hoạt cho bản thân, thong dong với niềm vui chăm chút sân vườn, nhà cửa mà không trở thành gánh nặng cho con cháu. Ảnh minh hoạ.

Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 40 nghìn người dân đang được hưởng lương hưu hằng tháng. Trong số này, gần 1,2 nghìn người có quá trình tham gia đóng BHXH tự nguyện. Với người cao tuổi, khi không thể lao động làm ra của cải như lúc trẻ thì số tiền lương hưu hằng tháng giúp họ chủ động trang trải đời sống. Tuy vậy, không phải ai cũng sớm nhận thức ý nghĩa quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện nên vẫn còn nhiều người sau một thời gian đóng lại xin rút BHXH một lần hoặc chưa tham gia chính sách. Toàn tỉnh có 883 HTX đang hoạt động với hơn 35,4 nghìn thành viên tham gia. Các HTX chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 65,4%) còn lại là phi nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Tổng số lao động có hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc gần 1 nghìn người. Tuy nhiên, mới có 369 người tham gia (chiếm tỷ lệ 36,9%); còn lại hơn 600 người chưa tham gia BHXH. Nguyên nhân là do thành viên và người lao động chưa hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH. Thêm nữa, số lượng HTX toàn tỉnh đông song nhiều nơi gặp khó khăn, không đủ nguồn tài chính để đóng BHXH, BHYT cho cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp”.

HTX Vận tải thương mại Nội Thành, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) có hơn 100 thành viên. Trong số này mới chỉ có 7 lao động tham gia BHXH gồm: 6 nhân viên văn phòng và một lái xe. Đa số thành viên và người lao động là lái xe chưa tham gia BHXH. Ông Ngô Văn Kế, Giám đốc HTX cho hay, do lái xe thường xuyên biến động nên nhiều năm qua đơn vị quyết định chi trả 100% lương và hướng dẫn họ tham gia chính sách BHXH tự nguyện ở địa phương. Tuy vậy, số người chủ động dành một phần thu nhập hằng tháng để tham gia BHXH rất ít.

Để dành lương hưu từ khi còn trẻ

Việt Nam có quy mô dân số đông, nằm trong số quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ của người dân tăng lên (tuổi thọ bình quân của người dân cả nước là hơn 73 tuổi) song nhiều người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội, phải lao động vất vả hoặc sống dựa vào con cháu. Nỗi lo sức khỏe mỗi ngày một yếu, đời sống càng khó khăn luôn thường trực đối với họ.

Đến hết năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có hơn 50 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng khoảng 10 nghìn người so với 2022. Riêng trong tháng 5 - Tháng Cao điểm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện (gọi tắt là Tháng Cao điểm) tỉnh đặt mục tiêu phát triển thêm 3,3 nghìn người đóng BHXH tự nguyện.

leftcenterrightdel
 Nhân viên BHXH tỉnh Bắc Giang  tuyên truyền người lao động về chính sách BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Tham gia BHXH tự nguyện là người dân chủ động lo cho tương lai khi còn trẻ. Để đạt kế hoạch, ngay từ đầu năm BHXH tỉnh Bắc Giang giao chỉ tiêu cho các huyện, TP; chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức chính trị - xã hội triển khai đến cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố. Điểm nhấn của Tháng Cao điểm năm nay là hoạt động truyền thông rộng rãi dưới nhiều hình thức: Trực tiếp, trực tuyến cấp tỉnh với cấp huyện; cấp huyện với cấp xã và trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook”.

Những ngày qua, các địa phương đồng loạt ra quân truyền thông phát triển BHXH tự nguyện. Tại huyện Việt Yên, Huyện ủy chỉ đạo phát động toàn dân tham gia BHYT và BHXH tự nguyện. Cán bộ, đảng viên vận động người thân trong gia đình, dòng họ, từ thôn đến xã, từ xã lên huyện hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho người có hoàn cảnh khó khăn tham gia chính sách.

Các huyện: Sơn Động, Việt Yên, Lạng Giang trích kinh phí từ ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí mua BHXH tự nguyện cho người tham gia lần đầu. Dù mới khởi động Tháng Cao điểm song đến ngày 5/5, toàn tỉnh đã có thêm 1,3 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Tiêu biểu là TP Bắc Giang, các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lạng Giang, Sơn Động.

Với mong muốn thành viên HTX được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, hiện nay Liên minh HTX tỉnh đang chỉ đạo các HTX rà soát thống kê những lao động trẻ có thu nhập ổn định; cung cấp danh sách cho BHXH địa phương để tiếp tục tuyên truyền, vận động.

“Trong các hội nghị chuyên đề hoặc lồng ghép vào các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chúng tôi tiếp tục quán triệt về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để người đứng đầu các HTX và thành viên hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH, qua đó góp phần tăng tỷ lệ đóng BHXH trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Thúy Dung nói

Bảo Hân