Gác lại hoài bão, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Hữu Đào (SN 1949, quê tỉnh Thanh Hóa; hiện trú tại thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) gác lại giấc mơ nơi giảng đường đại học, xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ về quyết định này, ông Đào cho biết: “Năm đó, sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong tôi đã nuôi dưỡng nhiều dự định, hoài bão về con đường học tập của mình. Thế nhưng, cũng chính thời điểm này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, khắp miền Bắc phát động hàng loạt phong trào thi đua lao động, sản xuất để xây dựng hậu phương vững mạnh và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chứng kiến những điều đó, tôi đã không cho phép mình đứng ngoài cuộc, lập tức viết đơn tự nguyện lên đường nhập ngũ vào ngày 25/8/1970”. 

 

leftcenterrightdel
 Những kỷ vật luôn được cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đào cất giữ cẩn thận.

Sau thời gian nhập ngũ và tham gia huấn luyện, ông Đào được biên chế về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (đóng tại tỉnh Thanh Hóa) với chức vụ chiến sĩ và được lệnh vào Nam chiến đấu.

Sau khoảng nửa năm hành quân bộ, băng rừng, trèo đèo, lội suối, đơn vị của ông Đào cũng có mặt tại chiến trường B3 (đóng quân tại Kon Tum). Trên hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã để lại cho chàng thanh niên Nguyễn Hữu Đào không ít kỷ niệm. 

Ông Đào kể: “Để tránh bom đạn của kẻ thù, hầu hết việc hành quân đều diễn ra trong đêm tối, dưới ánh đèn pin mờ ảo. Hành trang vào Nam chiến đấu của mỗi người lúc đó chỉ gồm 1 bộ quần áo, 1 cái võng, 1 cái tăng che mưa, 1 bao gạo, 1 cái nồi, 1 chiếng ăng gô đựng nước và súng, đạn. Chưa kể, nhiều anh em quần áo rách tả tơi, phải dùng quần ống loe của phụ nữ khâu lại để mặc cho khỏi bị muỗi, vắt tấn công... Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng không một ai lùi bước, kêu than mà một lòng hướng về miền Nam”. 

Sau khi có mặt tại tỉnh Kon Tum, đơn vị của ông Đào tham gia tác chiến trận đầu tại huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum). Tiếp đó, vào mùa hè năm 1972, ông và các đồng đội tiếp tục đánh vào khu vực Đồi Tròn Nghĩa trang Kon Tum.

Cũng tại trận đánh năm ấy, ông Đào đã chứng kiến nhiều đồng đội của mình ngã xuống dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù. Kể đến đây, ông Đào không khỏi ngậm ngùi: “Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 52 của chúng tôi lúc đó có hàng trăm người tham gia trận đánh tại Đồi Tròn Nghĩa Trang Kon Tum. Thế nhưng, sau trận đánh, phần lớn đã hy sinh, bị thương và chỉ còn khoảng 80 người đủ sức tiếp tục chiến đấu. Chứng kiến sự hy sinh, mất mát lớn đó, nhưng chúng tôi chỉ đành nén lại nỗi đau, cùng hạ quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược đang giày xéo lên sự bình yên của người dân, đất nước”.

Sau 2 ngày giao tranh ác liệt, quân ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) vào cuối tháng 4/1972. Trước tình thế có lợi, quân ta mở nhiều chiến dịch với quy mô lớn, đơn vị ông Đào được điều động về Cao điểm 317 ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).

Tại đây, đơn vị của ông Đào đã trực tiếp giải phóng huyện Ba Tơ. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta với địch ở Cao điểm 317, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh và bị thương. Lúc này, ông được phân công làm nhiệm vụ tải thương, đưa các đồng đội của mình đi chôn cất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận (tháng 1/1973). 

“Được kết nạp Đảng ngay tại nơi các đồng đội ngã xuống, tôi vô cùng xúc động và xem đó là động lực để tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, góp phần đánh đuổi quân xâm lược” - ông Đào chia sẻ. 

Ngay khi đánh chiếm được Cao điểm 317, đơn vị của ông Đào nhận lệnh chuyển quân xuống huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp chốt tại cao điểm Định Cương và căn cứ Eo Gió (huyện Nghĩa Hành) để chặn đường phản công của địch. Đồng thời, hỗ trợ lực lượng pháo binh kéo pháo lên đồi cao để đánh vào đồn Cộng Hòa ngay tại xã Bản Thới (huyện Nghĩa Hành). 

Ông Đào cho hay: “Tại đây, trận đánh diễn ra vô cùng kịch tính, chỉ sau khoảng 5 phút, quân ta đã khống chế được máy bay trực thăng, kiềm chế được pháo của địch, chiếm được đồn Cộng Hòa, giải phóng vùng Bản Thới, khiến cho địch không còn đường tấn công”.

Vỡ òa giây phút thống nhất đất nước

Khoảng tháng 3/1975, đơn vị của ông Đào tiếp tục được lệnh rút quân, di chuyển vào Sài Gòn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chính của đơn vị ông là trực tiếp đánh vào Dinh Độc Lập (Sài Gòn) - sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa. 

Đúng trưa 29/4/1975, đơn vị ông Đào đã có mặt tại Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) và nhận lệnh tiến thẳng vào Sài Gòn. Với khí thế khẩn trương, khoảng 8h sáng 30/4/1975, đơn vị của ông cũng đã có mặt tại Bình Triệu (thuộc quận Bình Thạnh, TP HCM ngày nay). Cũng ngay lúc này, bài hát “Tiến về Sài Gòn” vang lên khắp các con đường, ngõ hẻm tại thành phố mang tên Bác.

Nói đến đây, ông Đào cho biết: “Khi chúng tôi đến cầu Bình Triệu thì đường bị tắc nghẽn hoàn toàn. Rất nhiều người đổ ra đường đeo băng đỏ, cầm cờ, tiếp thức ăn, đồ uống và đón quân giải phóng. Hình ảnh các anh bộ đội trên những xe tăng, xe cơ giới, xe cam nhông tiến vào các ngả đường thành phố trong khí thế hừng hực. Lúc này, quân địch cũng lần lượt đầu hàng, giao vũ khí cho quân ta”. 

Cho đến 11h30’ ngày 30/4/1975, khi đơn vị của ông Đào và nhiều đơn vị chưa kịp nổ súng tại trận đánh cuối cùng thì cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Lúc này, trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây cũng là giây phút đất nước hoàn toàn được giải phóng sau bao nhiêu năm sống trong cảnh “mưa bom, bão đạn”.   

Ông Đào tiếp lời: “Dù là người trong cuộc, nhiệm vụ phải nổ súng nhưng tôi không tưởng tượng được sức tiến công của quân ta lại nhanh như vũ bão đến thế. Trên đường di chuyển vào Dinh Độc Lập, chúng tôi được người dân Sài Gòn “tiết lộ”, trước khi quân giải phóng vào, chính quyền cũ tuyên truyền về những cuộc “tắm máu” khủng khiếp mà quân giải phóng sẽ gây ra khi tiến về Sài Gòn. Điều này đã khiến cho người dân hoang mang lo sợ, không dám ra đường. Do đó, ngay khi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh được phát lên trên đài phát thanh, người dân Sài Gòn an tâm đổ ra đường đón chào quân giải phóng và nhảy múa, ăn mừng chiến thắng. Cảnh tượng lúc đó chẳng khác nào một cuộc gặp mặt, sum họp của một gia đình lớn sau mấy chục năm xa cách”.

Dù đã 48 năm trôi qua nhưng những kỷ vật trên hành trình vào Nam chiến đấu như: chiếc nồi, chiếc ăng gô, chai dầu máy... vẫn được ông Đào cất giữ cẩn thận, coi là tài sản vô giá. “Thỉnh thoảng, tôi lại mang những kỷ vật ra để nhắc nhở con cháu về tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh. Từ đó, mong các thế hệ trẻ cố gắng, phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất.” - ông Đào chia sẻ.

Nguyễn Chính - Tâm An