Ngày 11/8, Sở Công thương TP Đà Nẵng đã văn bản về việc phân chia tầng suất đi chợ cho người dân trên địa bàn. Theo đó, Sở Công thương TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện chủ trì phân chia tầng suất đi chợ của người dân trên địa bàn theo phương án mỗi hộ gia đình cứ 3 ngày thì đi chợ 1 lần.

Theo phương án này mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ/15 ngày (bao gồm thẻ ngày chẵn và thẻ ngày lẻ). Thẻ vào chợ chỉ được sử dụng 1 lần/1 chợ bất kỳ trên địa bàn TP Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Sáng 12/8, Đà Nẵng thực hiện phương án người dân vào chợ phải có phiếu 

Thẻ vào chợ sẽ được các phường, xã in ấn theo hai màu sắc (thẻ ngày chẵn màu hồng, thẻ ngày lẻ màu xanh da trời), gửi đến các hộ gia đình thông qua tổ dân phố. Ban quản lý các chợ sẽ bố trí lực lượng kiểm soát tại các chợ để thu lại thẻ này khi người dân vào chợ. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 12/8/2020 kéo dài đến khi có chủ trương mới của lãnh đạo thành phố.

Đây là một giải pháp của Sở Công thương TP Đà Nẵng nhằm nhằm thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sở Công thương TP Đà Nẵng mong muốn, thông qua phương án đi chợ như trên sẽ hạn chế được phần nào lượng người tập trung quá đông tại các chợ vào một thời điểm khi còn những người dân theo thói quen vẫn đi chợ mà không thực sự cần thiết.

leftcenterrightdel
Ban kiểm soát tại chợ 

Để hạn chế người đến chợ khi không thực sự cần thiết nhằm đảm bảo việc giãn cách xã hội, Sở Công thương TP Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo cấp dưới tích cực tuyên truyền cho người dân tổ chức cơ cấu bữa ăn hợp lý, nghiêm túc thực hiện phương án phân chia tầng suất đi chợ như trên. Tại các chợ, tăng cường lực lượng kiểm soát, bố trí các chốt kiểm soát tại các chợ, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và yêu cầu tiểu thương giữ khoảng cách tối thiểu 2m và đeo khẩu trang theo quy định…

Tuy nhiên, khi phương án này được đưa ra, một số người dân đã đặt ra các tình huống mà trong văn bản của Sở công thương TP Đà Nẵng chưa đề cập đến. Ví như trong văn bản đề xuất, UBND các quận triển khai đến UNBD các xã phường tổ chức in ấn phiếu để phát đến các hộ dân, vậy hiện tại rất nhiều người đang “mắc kẹt” tại Đà Nẵng vì dịch nhưng họ là những người không đăng ký tạm trú thì việc cấp phiếu có đến được tay của những người này hay không?. Cơ quan chức năng không cấm chợ, vậy những người dân không có phiếu vào chợ nhưng họ cần vào chợ mua thực phẩm thì lực lượng chức năng xử lý những người này như thế nào?.

leftcenterrightdel
Người dân trình thẻ vào chợ cho lực lượng kiểm soát 

Hơn nữa, trong văn bản, Sở Công thương TP Đà Nẵng cũng chỉ nói đến việc hạn chế người dân đi các chợ truyền thống, trong khi đó các hệ thống siêu thị lại bị bỏ ngỏ, vậy sau khi phát phiếu liệu người dân có đổ xô đến các siêu thị, trung tâm thương mại hay không?. Sở Công thương TP Đà Nẵng có tính đến các phương án phòng chống dịch cho các siêu thị, trung tâm thương mại như ở các chợ hay không?.

Trên thực tế, ngày đầu thực hiện việc đi chợ như phương án của Sở Công thương nói trên, người dân đã có những phản ánh liên quan đến những vấn đề trên. Trên trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh – Sạch – Đẹp” một người dân phản ánh, “thành phố đà nẵng có quy định là người không có sổ hộ khẩu thì không được phát phiếu đi chợ không? Nhà mình đang bị tình trạng là không được phát phiếu đi chợ với lý do không có sổ hộ khẩu. Không có sổ hộ khẩu là do không muốn tách hay cắt về nhà mình ở vì không thuận lợi cho con cái.Tại phường Hòa Hải. Chia sẻ để góp ý lên thành phố thôi thay đổi cho hợp lý. Không có phiếu thì cũng không đói được. Tội những người thuê trọ. Chống dịch tốt chủ yếu là do ý thức người dân thôi…”. Một tài khoản facebook khác cũng phản ánh rằng nhà có 3 gia đình sống chung trong một nhà nhưng chỉ được phát 5 phiếu đi chợ cho 15 ngày như vậy là chưa hợp lý.

Trao đổi với Báo Bảo vệ pháp luật sáng 12/8, ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc sở Công Thương TP Đà nẵng cho rằng, với những người không có hộ khẩu thì phải có đăng ký cư trú ở nhà trọ, hay nhà thuê và sẽ được Tổ dân phố quản lý, công an khu vực quản lý. Như vậy, nếu được quản lý thì người dân sẽ được phát phiếu đi chợ.

Với những hộ gia đình có nhiều người sống chung, theo ông Nguyễn Hà Bắc, họ phải mua đủ lượng thực phẩm để ăn chung. “Những hộ gia đình nhiều người thì họ phải mua đủ lượng thực phẩm để ăn chung chứ, nói thế sao được. Họ phải tính toán lượng người ăn để đi chợ chứ..”. Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng nói.

leftcenterrightdel
 Kiểm tra thẻ vào chợ trước khi cho người dân vào chợ

"Đối với những người đang mắc kẹt tại Đà Nẵng thì phải có chỗ cư trú cụ thể chứ… Với những công nhân đang ở các lán trại thì chủ đầu tư, chủ thầu phải có trách nhiệm, tổ dân phố, quận phải hỗ trợ việc đó chứ”, ông Bắc cho biết thêm.

“Còn đối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại thì Sở chưa tính tới. Vì đối tượng đi siêu thị và đối tượng đi chợ là khác nhau, hoặc có thể là mua đồ xen kẽ nhau. Chợ thì có đầy đủ đồ, còn đối tượng khách hàng thích đi siêu thị thì họ vẫn đi siêu thị nhưng trong siêu thị thì người ta tổ chức giãn cách một cách bình thường. Không thể nói hạn chế đi siêu thị thì người ta đi siêu thị được. Việc tổ chức giãn cách là những doanh nghiệp tổ chức theo chuỗi nên họ có phương pháp quản lý đó hết rồi…” ông Nguyễn Hà Bắc – Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng nói về việc người đi siêu thị.

Xuân Nha