Đây là 2 bản xa xôi, cách biệt của huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hoá). Ở đây, tôi được gặp những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số không ngại khó, ngại khổ trải qua nhiều thập kỷ giữ cột mốc vùng biên giới. Đáng trân trọng hơn nữa, khi sức khoẻ hạn chế, những già làng vẫn ngày ngày tuyên truyền, động viên con cháu theo bước chân đường rừng của mình để bảo vệ cột mốc vùng biên, quyết tâm góp phần giữ vững lãnh thổ quốc gia. 
Đi rừng chỉ có con dao làm bạn

Trong những năm đầu đổi mới, vùng biên cương Thanh Hóa cũng là nơi khởi phát phong trào “Già làng, trưởng bản tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”. Ngay sát biên giới Việt - Lào, bản Suối Tút, Con Dao xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát là nơi định cư của đồng bào Dao gần một thế kỷ. Già Làng Tặng Văn Cấu, sinh ra và lớn lên nơi biên cương bản Suối Tút, ông luôn được người dân ở trong bản quý mến, tin tưởng và làm theo những gì ông nói, ông làm. Ông Cấu đã 31 năm tuổi Đảng, từng có 30 năm làm trưởng bản Suối Tút, nhiều năm qua già làng đã tự nguyện trông coi cột mốc 287, cột mốc cao ngất ngưởng cách mặt nước biển tới 2.000m. Với ông Cấu, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới đồng nghĩa với bảo vệ ngôi nhà của mình. Ông vận động người dân trong bản kí kết, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Biên Phòng cùng Già Làng Tặng Văn Cấu tại cột mốc 287.

Già Cấu chia sẻ: "Khu vực biên giới hầu hết nằm ở các vùng núi cao, hẻo lánh hoặc trong những khu vực có điều kiện thời tiết khắc nghiệt như lạnh giá, mưa bão, nắng nóng gay gắt. Chúng tôi phải đối mặt với những thử thách lớn khi di chuyển trong địa hình hiểm trở. Những ngày nắng còn đỡ vất vả chứ ngày mưa có nhiều muỗi, vắt, đường thì trơn trượt, không vượt suối nhanh thì nước có thể cuốn mình đi. Những con đường mòn cũ có thể bị rào cản tự nhiên như cây cối dày đặc, bụi rậm, hoặc thậm chí những con suối khó vượt qua. Vì vậy, những người trông coi cột mốc luôn có con dao làm bạn. Lúc thì sử dụng để dọn đường, cắt tỉa cây cối, tạo ra lối đi; khi thì giúp chúng tôi đối phó với các tình huống bất ngờ trong rừng như gặp phải động vật hay cây cối nguy hiểm...”

“Cách nhà khoảng 5km đường rừng, việc đi lại với tuổi già không dễ dàng gì. Bản thân đã nhiều lần trượt ngã, dao cứa vào người... Vì tuổi đã cao, việc leo, núi đi rừng lại khó khăn, nguy hiểm; nên vợ, con tôi cũng khuyên ông ở nhà. Nhưng nghĩ, mình từ lâu đã cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ cột mốc, có kinh nghiệm đi rừng, nên muốn góp sức lực để bảo vệ vùng biên.", ông Cấu tâm sự.

Sau đó, ông Cấu dẫn chúng tôi đến thăm gia đình có 3 thế hệ trong bản đã kiên nhẫn trông coi cột mốc vùng biên. Ông Phan Văn San (Sinh năm 1981), trú tại bản Suối Tút kể: "Bố tôi là già làng Phan Văn Xiết, người đã có 30 năm trông coi cột mốc. Năm 2016, trước khi nhắm mắt, ông vẫn dặn dò con cháu tiếp tục thay cụ đảm nhận công việc thiêng liêng này. Và cũng từ đó tới nay, tôi và con trai tên là Phan Văn Cấu, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Tây Tiến (xã Mường Lý) vẫn làm theo lời cụ dặn."

leftcenterrightdel
 Gia đình ông Phan Văn San có 3 thế hệ đã kiên nhẫn trông coi cột mốc vùng biên. 

Hiện ông San và con trai đang trông coi cột mốc 286 - nơi phân định giữa xã Quang Chiểu với bản Suối Tung, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Ông San kể: Đường lên hiểm trở, trước đây thời gian cả đi và về phải mất 6, 7 tiếng đồng hồ, bây giờ vào ngày nắng ráo, thuận lợi cũng phải ngót nghét 4, 5 tiếng. Ngày trước còn chưa có lối đi, cây cối mọc um tùm, anh và cụ thân sinh vừa đi vừa phát cây mở đường lên cột mốc. “Cha tôi thường dặn dò con cháu rằng, biên giới của Tổ quốc là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Cha ông ta bao đời đã đổ xương máu đấu tranh mới có được nên con cháu phải biết giữ gìn, bảo vệ. khi có người lạ xâm nhập hoặc có dấu hiệu khả nghi trên biên giới thì phải kịp thời báo cáo cho Bộ đội Biên phòng biết để xử lý.”, ông San nhớ lại lời bố dặn.

Còn ở bản Con Dao, gia đình ông Chẹo Văn Liều (sinh năm 1980), cũng là người dân tộc Dao đã tự nguyện đứng ra nhận nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc mốc 289 và 290 đã nhiều năm nay. Đây cũng chính là cột mốc mà cha ông - già làng Chẹo Văn Sụ (sinh năm 1957) tình nguyện bảo vệ trong suốt 30 năm. Năm 2020, biết mình tuổi cao, sức yếu, già làng Sụ đã báo cáo Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho người con của ông tiếp tục đảm nhận.

Và cứ vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, bà con đồng bào dân tộc Dao ở bản Suối Tút, Con Dao vẫn luôn tự nguyện tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc cho quốc gia như bảo vệ chính ngôi nhà của mình. Câu chuyện về những già làng, những gia đình nhiều thế hệ bảo vệ cột mốc quốc gia thể hiện tấm lòng tận trung với Tổ quốc, với Đảng; khiến chúng ta thật sự biết ơn, khâm phục và trân trọng.

Những "cộng sự đắc lực" của Bộ đội Biên phòng

Đối với khu vực biên giới nằm ở các vùng núi cao, hẻo lánh hoặc trong những khu vực có điều kiện thời tiết khắc nghiệt như lạnh giá, mưa bão, nắng nóng gay gắt, người dân phải đối mặt với những thử thách lớn khi di chuyển trong địa hình hiểm trở, thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Nhưng không vì thế mà nản lòng, như các anh Bộ đội Biên phòng nơi đây vẫn thường nói: Các già làng là những cây cổ thụ nơi đại ngàn biên cương. Với tinh thần tuổi cao ý chí càng cao, có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân vùng biên; là cánh tay nối dài của Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Phải công nhận, dù những chuyến tuần tra cùng Bộ đội Biên phòng trong mưa giông, giá rét hay nắng cháy da, các cụ vẫn luôn hăng hái, giữ nụ cười trên môi.

Đứng chân trên địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 45,216 km đường biên giới. Thượng tá Lê Văn Toản, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết: Mường Lát có 105,5 km đường biên, trong đó Đồn Biên phòng Quang Chiều quản lý gần một nửa, với 23 cột mốc và 01 cọc dấu. Do có nhiều lối mở vì vậy việc đảm bảo an ninh biên giới gặp nhiều khó khăn.  

leftcenterrightdel
Ông Phan Đức Cấu, bản Con Dao trông coi cột mốc 290 đã 4 năm nay.

Tuy vậy, "Bà con đã không quản ngại nắng mưa, thường xuyên đi kiểm tra từng cột mốc, thông báo thường xuyên cho đồn về cột mốc đường biên, để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Đồn Biên phòng Quang Chiểu cũng dựa vào dân, sự giúp đỡ của quần chúng để chúng tôi có thông tin kịp thời. Thấu hiểu sự vất vả, hi sinh ấy, hàng năm Đồn cũng trích quỹ để có món quà động viên cho các bác bảo vệ đường biên cột mốc. Đồn biên phòng chúng tôi thường coi những già làng giữ cột mốc như những người cộng sự đắc lực, bởi họ hiểu rõ địa bàn, có mối quan hệ dân tộc, thân tộc với cộng đồng dân cư ở hai bên biên giới và thường xuyên hỗ trợ đồn Biên phòng trong công tác giám sát, phát hiện những nguy cơ xâm phạm từ bên ngoài, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới. Cách làm việc của họ không chỉ đơn thuần là bảo vệ cột mốc mà còn là bảo vệ mối quan hệ hòa bìnhhữu nghị và ổn định giữa các cộng đồngdân cư sống ở vùng biên.", Thượng tá Lê Văn Toản chia sẻ.

Đinh Huê