Nhìn ngắm “cơ ngơi” bề thế với sự phát triển mọi mặt của TP Sầm Sơn hôm nay đã minh chứng cho nhãn quan tinh tế, nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người “tiên lượng” về một Sầm Sơn “sẽ kiếm được nhiều của cải” nếu biết tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển du lịch.
Sầm Sơn được biết đến là nơi “Sơn kỳ, thủy tú”, với bãi biển đẹp, núi non trùng điệp, khí hậu trong lành, cùng nhiều di tích, danh thắng kỳ thú, đã tạo nên những giá trị văn hóa, du lịch độc đáo, nổi trội, mang bản sắc riêng biệt.
|
|
Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn (ảnh: Trung tâm Văn Hóa Sầm Sơn cung cấp). |
Trong thời gian ở lại với mảnh đất này, Bác đã để lại trong lòng ngư dân Sầm Sơn những hình ảnh chẳng thể nào quên. Mùa hè năm 1960, khi miền Bắc đang chuẩn bị Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III. Hồ Chủ tịch đi thăm nhân dân một số tỉnh phía Nam Thủ đô Hà Nội, Người ghé Sầm Sơn tắm biển.
Trong 3 ngày lưu lại Sầm Sơn, Bác đi tham quan núi Trường Lệ; thăm nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn, trại an dưỡng của các cụ miền Nam và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp tham gia kéo lưới cùng ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn)...
|
|
Năm 2022, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt khoảng 20.038 tỉ đồng. |
Theo các cụ cao niên Làng chài Vinh Sơn kể lại, một buổi tối giữa tháng 7 năm 1960, có một ông cụ râu tóc bạc phơ, ăn mặc giản dị lên núi Trường Lệ, vào thăm đền Cô Tiên. Sáng hôm sau cụ dậy sớm, mặc bộ quần áo cộc như một ngư dân đi men xuống núi ngắm cảnh. Cụ đến thăm các gia đình ở chân núi thuộc thôn Vinh Sơn; sau đó đi xuống bãi biển phía những ngư dân Sầm Sơn đang kéo lưới, cụ tham gia kéo lưới với họ như một lão ngư thuần thục. Sau khi rời Sầm Sơn, người dân làng chài nơi đây mới biết cụ già kéo lưới chính là Bác Hồ.
Khắc ghi lời Người đã căn dặn: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch, khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây!”; hơn 60 năm kể từ ngày Bác về thăm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn luôn phấn đấu, quyết tâm xây dựng Sầm Sơn thành đô thị du lịch biển văn minh, thân thiện, hiện đại, xứng tầm trọng điểm quốc gia, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng ngày càng nhiều. Với những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và kiến tạo đô thị, Sầm Sơn đã được quy hoạch là 1 trong 12 đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia.
|
|
Sầm Sơn quyết tâm trở thành đô thị du lịch biển văn minh, thân thiện, xứng tầm trọng điểm quốc gia. |
Hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, với các dự án trọng điểm như: Đường Hồ Xuân Hương, Đại lộ Nam sông Mã, đường ven biển, Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, Khu đô thị sinh thái dọc hai bờ sông Đơ, Khu đô thị du lịch sinh thái biển Đông Á... Đặc biệt dự án Quảng trường biển và khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí do Tập đoàn Sun Group đầu tư, đã thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện của thành phố.
Với sức hút của một thành phố trẻ, khách du lịch đến với Sầm Sơn ngày càng nhiều, có những thời điểm du khách phải “tắm đứng” vì người ken đặc. Năm 2022, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt khoảng 20.038 tỉ đồng. Trong số đó, riêng với Sầm Sơn là hơn 7 triệu lượt khách và tổng thu ước đạt 15.500 tỉ đồng. Năm 2023, thành phố Sầm Sơn dự kiến sẽ đón gần 7,3 triệu lượt khách và phục vụ ăn nghỉ khoảng hơn 17,6 triệu ngày khách, tương đương với doanh thu đạt khoảng 15.518 tỉ đồng.
Ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành uỷ Tp Sầm Sơn: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Sầm Sơn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ năm xưa, lấy đó làm động lực để cố gắng phấn đấu phát triển Sầm Sơn thành một đô thị biển năng động và đáng sống trên con đường hội nhập và phát triển. Du lịch Sầm Sơn đã có những bước “chuyển mình” đáng ghi nhận để sớm đưa Sầm Sơn thành trọng điểm du lịch biển của cả nước xứng đáng với những gì Bác đã kì vọng. |