Cầm tấm hình màu đen trắng ghi lại hình ảnh Bác Hồ tặng bông hồng cho chàng trai trẻ tại Lễ mít tinh Kỷ niệm lần thứ 8 thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng, ông Quảng “khoe” với mọi người đấy là mình năm 16 tuổi. Nhấp chén nước chè, ông bắt đầu nhắc lại một cách tỉ mỉ, đầy đủ, rõ ràng năm thành tuổi trẻ, giây phút được gặp Bác Hồ với niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt…

Sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng, 13 tuổi, chàng trai trẻ Hồ Quảng Thu đã tham gia làm giao liên tại xã sau đó làm du kích.

Trong ba năm, ông đã 9 lần được phong dũng sỹ diệt Mỹ và trở thành “Dũng sỹ diệt Mỹ” trẻ tuổi của Quảng Nam. Trong đó có kỳ tích đốt kho xăng của địch ở đồn Bồ Bồ vào năm 1967 từ sự thông minh, quả cảm của ông đã gây cho địch tổn thương nặng nề. Bà con trong xã gọi yêu anh chàng là “thằng phá làng”, bởi sau mỗi lần lấy trộm vũ khí, diệt Mỹ, địch lại tức giận lại kéo đến lùng sục và trấn áp nhà dân…

Với những thành tích đó, năm 1968, khi mới 16 tuổi, ông Thu cùng 8 thiếu niên khác trong đoàn Anh hùng dũng sỹ miền Nam, tất cả đều dưới 17 tuổi, nhận lệnh ra miền Bắc “công tác, học tập”.

leftcenterrightdel
 Mỗi lần xem lại tấm ảnh được Bác Hồ tặng bông hồng là một lần ông Hồ Quảng Thu không khỏi xúc động, hạnh phúc khi nhớ về những giây phút được gặp Bác.
“Sau ba tháng ròng rã đi bộ vượt Trường Sơn, băng rừng, lội suối có những lúc tưởng bỏ mạng, nhưng cứ nghĩ đến ra miền Bắc - nơi đó có Bác Hồ. Chúng tôi lại thấy phấn khởi, khỏe lại, tiếp tục cuộc hành trình về với thủ đô.” – ông Thu chia sẻ.

Đến Hà Nội được 10 ngày, tối ngày 20/12/1968, đoàn “Dũng sỹ diệt Mỹ” được các chú ở Ban Thống nhất Trung ương đến đón đi công tác nhưng không biết rõ là sẽ đi đâu. Xe chở mọi người  đến Hội trường Ba Đình nơi diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 8 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

“Lúc đó, ai cũng chỉ nghĩ được đi dự lễ. Điều bất ngờ, sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc diễn văn kỷ niệm, đã giới thiệu đoàn “Dũng sĩ tí hon” lên gặp Bác Hồ. Bác vừa bước ra từ cánh gà, tất cả các bạn nhỏ quên hết mọi ý thức chạy ào lên với Bác. Tôi lúc đó đang ốm vì điều trị sốt rét nhưng mừng quá, cũng quên hết mệt mỏi, chỉ biết chạy lên để được gần Bác hơn, được ôm Bác” – Hồ Quảng Thu nhớ lại đôi mắt rưng rưng.

Khoảnh khắc được gặp Bác, được Bác ôm tất cả vào lòng, hỏi các cháu có sợ hi sinh không…  làm cả đoàn đều xúc động nghẹn ngào, đoàn “Dũng sỹ diệt Mỹ” lúc đó ai nấy cũng không kìm được niềm hạnh phúc, xúc động đều oà lên khóc.

Bác ôm hôn từng cháu rồi rút những bông hoa hồng trong lẵng hoa đặt trên bàn trao tặng các dũng sĩ nhí. Hồ Quảng Thu đã may mắn có mặt trong tấm ảnh xúc động ấy khi phóng viên bấm máy. Đối với ông đó là "báu vật" để đời, luôn được ông nâng niu, trân trọng và lấy ra “khoe” khi có ai nhắc đến Bác Hồ.

leftcenterrightdel
 Đối với ông Thu (bên phải Bác), bức ảnh là  "báu vật" để đời, luôn được ông nâng niu, trân trọng và lấy ra “khoe” khi có ai nhắc đến Bác Hồ.

“Vẫn bộ quần áo ka ki màu trắng, đôi dép cao su, râu tóc bạc phơ, nụ cười hiền hậu, lời nói, cử chỉ của Bác nhẹ nhàng như một người cha, người ông vậy. Tôi được ôm, được hôn, được Bác giang vòng tay đón nhận, khoảnh khắc đó tôi không bao giờ quên được” – chú Thu tâm sự, lời nói chất chứa bao nhiêu nỗi niềm hạnh phúc.

Thời gian gặp Bác chỉ tầm 5 – 10 phút do mọi người lo lắng cho sức khoẻ của Bác. Trước khi vào lại bên trong, Bác có hỏi thăm tình hình học hành của đoàn, sau khi biết các bạn trẻ chưa được đi học hoặc còn học chưa hết tiểu học, Bác đã dặn: Các cháu nhỏ chí lớn, nhưng do điều kiện hoàn cảnh nên không được đi học, các chú tạo điều kiện cho các cháu được đi học.

Sau đó, đoàn “Dũng sỹ diệt Mỹ” còn may mắn được gặp Bác thêm hai lần nữa, là Tết năm 1969, Bác gọi vào đón Tết cùng và một lần đón đoàn khách của Cuba qua thăm. Tuy nhiên cả hai lần ông Thu đều bị ốm nặng nên không có cơ hội được gặp Người. Tuy đầy tiếc nuối, nhưng lần gặp đầu tiên cũng đã tạo nên một chàng trai có ý chí phấn đấu và rèn luyện như lời Bác dặn.

Sau lần đó, đoàn dũng sỹ miền Nam 34 người (của nhiều đợt sau nữa) được Cục Chính trị gửi về Hải Dương và được 17 giáo viên giảng dạy, đào tạo. Ông Thu là 1 trong 3 người đỗ vào trường sĩ quan lục quân. Trong khoảng thời gian đó cho đến khi hoà bình, Thu nhiều lần viết đơn xin nghỉ học vào miền Nam tham gia kháng chiến nhưng đều không được chấp nhận.

Tốt nghiệp đại học, cũng là khi đất nước được giải phóng, ông Thu tiếp tục làm việc trong quân đội, rồi làm việc cho ngành điện, ở nhiều vị trí khác nhau ông Thu vẫn một mực ghi nhớ lời dạy của Bác vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sạch và bản lĩnh.

“Hồi đấy, Bác Hồ đã nói với đồng chí Cục trưởng Cục Chính trị là các cháu miền Nam nhỏ mà đánh giặc giỏi. Không được đi học vì chiến tranh cho nên các chú đưa vào quân đội đào tạo, sau này xây dựng đất nước. Chỉ một câu đó thôi sau này trên mỗi đường công tác, tôi luôn tự hào vì mình đã giữ được đạo đức trong sáng.” – Ông Thu cho biết.

Ông cũng khẳng định đã "vượt chính mình", giữ đạo đức trong sáng, luôn làm tròn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó và thực hiện tốt lời căn dặn của Người.

Lê Tâm