Được Trung ương điều đi học
Đã ở tuổi 90 xưa nay hiếm, nhưng hiện tại, cụ Trung vẫn đều đặn ngày ngày ngồi viết truyện, làm thơ gửi đi đăng báo. Vốn là Tổng biên tập của Báo Phụ nữ Thủ đô, phong cách làm báo và vị trí quản lý giúp cho cụ có được một phong thái đĩnh đạc, chuyên nghiệp trong giao tiếp. Hôm tôi đến, cụ Trung còn đi lại nhanh nhẹn rót nước, pha trà mời khách.
Cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 4/4, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Hội Nhà báo Việt Nam có phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ kỉ niệm 70 năm và đón nhận Bằng di tích Quốc gia đối với địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Hôm đó, cụ Trung là học viên duy nhất của lớp dạy làm báo năm xưa lặn lội từ Hà Nội lên dự.
Năm 18 tuổi, cô gái Lý Thị Trung tham gia công tác tại Ban Tuyên huấn, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hưng Yên (ngày nay). Ngày ấy, đồng chí Hoàng Ngân, Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc Liên khu 3 (gồm nhiều tỉnh hiện nay như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng…) yêu cầu thành lập Đoàn Tuyên truyền tỉnh Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên ngày nay) gồm 12 người, trong đó có Lý Thị Trung.
Sau khi được thành lập, Đoàn Tuyên truyền hoạt động rất tích cực. Họ cùng nhau tổ chức các chuyến công tác dài ngày, đi xuống từng xã vẽ tranh triển lãm, diễn kịch, nói chuyện với bà con để tuyên truyền ủng hộ kháng chiến. Đi đến đâu, họ cũng được bà con tin yêu, che chở, thu xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ để thuận lợi cho công việc.
Về chuyên môn, thay vì báo cáo bằng văn bản, thì cứ 1 tháng 1 lần, Đoàn Tuyên truyền sẽ tổng hợp lại công việc trong tháng đã làm bằng cách mỗi một sự kiện, sự việc, họ viết tin hoặc viết bài, làm thành 1 tờ báo 24 trang (bằng tập vở của học sinh) rồi chuyển lên đồng chí Hoàng Ngân đọc.
|
|
Đồng chí Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa cụ Lý Thị Trung tại buổi lễ kỉ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, (ngày 4/4/2019 tại Thái Nguyên). Ảnh: Vũ Minh Khôi |
Cụ Trung nhớ lại, trước khi chuyển lên làm Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, đồng chí Hoàng Ngân có mời Đoàn Tuyên truyền 12 người sang trụ sở của Hội phụ nữ cứu quốc Liên khu 3 (ngày ấy đặt tại tỉnh Thái Bình) để gặp mặt. Tuy chưa làm việc trực tiếp bao giờ, nhưng đồng chí Hoàng Ngân lại nhớ bút danh và bài viết của từng người. Trong buổi gặp mặt ấy, đồng chí Hoàng Ngân hỏi, ai là Lý Trung, người viết truyện ngắn “Chú tiểu Bình”, “Tôi sợ ma”? “Lúc ấy tôi vui lắm vì truyện ngắn của mình được đồng chí Bí thư biết đến. Tôi mạnh dạn nhận mình là tác giả, nghe xong, đồng chí Hoàng Ngân có động viên tôi rằng truyện ngắn “Chú tiểu Bình” đọc rất xúc động, Trung cố gắng học và viết nhiều hơn” – cụ Trung nhớ lại.
Đó là lần đầu tiên và duy nhất cô gái Lý Thị Trung được gặp đồng chí Hoàng Ngân ở ngoài đời thực. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 năm, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị Tổng bộ Việt Minh mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, trực tiếp đồng chí Hoàng Ngân đã tiến cử cô gái Lý Thị Trung tham gia lớp dạy làm báo đầu tiên với mục đích sau này Lý Thị Trung sẽ chuyển về làm tại Báo Phụ nữ Việt Nam do đồng chí Hoàng Ngân trực tiếp sáng lập, phục vụ mục đích tuyên truyền cho kháng chiến.
Lá thư đồng chí Hoàng Ngân gửi từ Trung ương về cho đích danh cô gái Lý Thị Trung ngày ấy là một sự kiện hi hữu (hiện lá thư này đã được cụ Lý Thị Trung hiến tặng và đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam). Đa số trong hơn 40 học viên của lớp viết báo ngày ấy đều là những phóng viên, nhà báo giỏi, giàu kinh nghiệm của nhiều tờ báo hàng đầu cả nước. Duy có Lý Thị Trung và một số ít người còn lại chưa phải là phóng viên chuyên nghiệp.
Những kỉ niệm về ngôi trường đặc biệt
Ngôi trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ngày ấy được làm bằng tre, nứa đặt tại thôn Bờ Rạ, gần dòng sông Công, thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ (ngày nay, thôn Bờ Rạ đã chìm sâu dưới lòng hồ Núi Cốc). Tuy số lượng học viên không đông, nhưng có khoảng trên dưới 30 giảng viên (có tài liệu cho rằng 29 giảng viên hoặc hơn 30 giảng viên) tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn, là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân…
Cụ Lý Thị Trung chia sẻ rằng, ngày ấy, cụ có thói quen ghi nhật ký. Mỗi một buổi học, sau mỗi một ngày, cụ lại ghi lại câu chuyện vào một cuốn sổ nhỏ. Đặc biệt, mỗi khi gặp một giảng viên mới, cô gái trẻ Lý Thị Trung cũng đều mạnh dạn lên xin chữ ký của họ vào cuốn sổ. Và trong cuốn sổ nhỏ của cô học trò ngày nào, đầy ắp những chữ ký của các thầy Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp,.…
Cụ Trung nhớ lại, thời gian 3 tháng học đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì?, điều kiện của người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Các giảng viên đến lớp triển khai bài giảng theo từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ),....
Ngoài những giờ học trên lớp, các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng còn được nghe các buổi nói chuyện ngoại khóa ngoài lớp học để không khí cởi mở và vui vẻ hơn. Cụ Trung cho biết, trong phần thực hành, cụ và toàn bộ các học viên được tổ chức đưa đi xuống các vùng sản xuất chè để tìm hiểu cách làm chè thủ công của người dân địa phương. Sau đó, các tác phẩm thu hoạch được nộp về, chọn lọc và đăng trên tờ báo của lớp mang tên “Bút mới”.
Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn trong 3 tháng. Khi ra trường, cụ Trung về công tác tại tờ báo “Chiến sĩ”, thuộc Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Liên khu 4. Đến khi kháng chiến thành công, năm 1957, cụ Trung chuyển về làm ở tờ báo “Thủ đô” (nay là Báo Hà Nội Mới). Đến năm 1986, cụ Trung sáng lập và làm Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô đến năm 1991 thì nghỉ hưu.
Cụ Trung chia sẻ, năm 1994, tỉnh Thái Nguyên có mời các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa lên Thái Nguyên gặp gỡ, giao lưu, thăm quan trong 3 ngày. Năm đó, vẫn còn hơn 10 học viên về tham dự. Tay bắt, mặt mừng, những cô cậu học viên trẻ ngày nào giờ ôm nhau khóc, hàn huyên kỉ niệm. Mới đó thôi, từ 43 học viên những ngày đầu trường thành lập, tính đến tháng 6/2019 này, chỉ còn khoảng 5 học viên còn sống (số liệu chưa thống nhất).
Cuối buổi nói chuyện, cụ Trung khoe với tôi rằng, mới đây, cụ nghe nói, có một cô phóng viên bên Báo Nhân dân báo tin rằng, có 1 cụ đang sống ở tỉnh Thanh Hóa khẳng định rằng, cụ này cũng từng tham gia học ở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949. “Tôi sẽ cố gắng xác minh xem thông tin có đúng không. Nếu đúng thì thật tuyệt vời vì lớp học của chúng tôi cách đây 70 năm có thêm một người bạn vẫn còn sống” – cụ Trung rơm rớm nước mắt.
Lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 6/7/1949, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng làm Lễ bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bận công việc không đến dự được nhưng Bác đã gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4- Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.
Trước đó, vào ngày 22/6/1949 đến thăm học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.
|