Góp phần ổn định an sinh xã hội

Ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Nghị quyết thống nhất việc thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Trong đó, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Tăng 15%  mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%). Điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng 6% so với năm 2023, tương ứng tăng từ 200.000-280.000 đồng.

leftcenterrightdel
 Nguồn chi tiêu phục vụ cuộc sống của đa số người nghỉ hưu phụ thuộc chủ yếu vào khoản tiền lương hưu nhận về hằng tháng. Do đó, số tiền nhận về tăng, thì chất lượng cuộc sống của người thụ hưởng cũng có cơ hội tăng.

Theo Bộ Nội vụ, tổng hợp sơ bộ, việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp người có công tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng BHXH; khoảng 50 triệu người do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh... Tăng lương cho toàn bộ những người hưởng lương và tăng mức trợ cấp tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng, tạo hiệu ứng tốt, bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương, các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Đề xuất tăng lương của Chính phủ được thông qua đem đến niềm vui cho rất nhiều người. Chị Cao Tuyết Lê - giáo viên một trường tiểu học công lập trên địa bàn TP.Hà Nội hào hứng cho biết: “Không chỉ riêng tôi, mà tất cả đồng nghiệp, bạn bè tôi đều mong ngóng ngày tăng lương. Bởi giá cả hàng hóa những năm qua đã tăng nhiều lần, bỏ rất xa lương khiến nhiều người phải thắt chặt mọi chi tiêu, tiết kiệm từng đồng để tránh tình trạng chi tiêu thâm hụt vào thu nhập”. 

Chị Lê cũng chia sẻ thêm, từng có những thời điểm, chị đã nghĩ đến phương án “bỏ việc nhà nước” để ra ngoài làm, với mong muốn tìm cơ hội tăng thu nhập. Nay đón nhận thông tin tăng lương tới 30%, chị đã có thể yên tâm làm việc, cống hiến. Có thể thấy, việc tăng lương cơ sở sẽ giúp cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, góp phần tạo động lực để người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhìn rộng hơn, các nội dung của cải cách chính sách tiền lương và tăng mức lương cơ sở cũng góp phần tạo đà thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời, bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024-2026.

Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Đón nhận thông tin tăng lương, các nhóm thụ hưởng đều phấn khởi. Ông Trương Công Phú (85 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui khi có thể được tăng lương đến 2 lần trong 2 năm qua. Hiện tại, mức lương hưu của ông Phú khoảng 12 triệu 100 nghìn/tháng, dự kiến sau ngày 1/7, lương hưu sẽ tăng lên khoảng 14 triệu đồng/tháng. Theo ông Phú, số tiền này đủ để đảm bảo cuộc sống của ông, không phải phụ thuộc vào con cháu. “Nguồn chi tiêu phục vụ cuộc sống của đa số người nghỉ hưu phụ thuộc chủ yếu vào khoản tiền lương hưu nhận về hằng tháng. Do đó, số tiền nhận về tăng, thì chất lượng cuộc sống của người thụ hưởng cũng có cơ hội tăng”, ông Phú cho biết.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Văn Mật (quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Ông Trần Văn Mật (quận Hà Đông, TP Hà Nội) là cán bộ về hưu. Khi nghe thông tin lương hưu tăng, ông Mật cho biết đây là một chủ trương rất phù hợp của Đảng và Nhà nước. Những người hưởng lương hưu như ông, cuộc sống chỉ trông chờ vào lương, tuổi già nên chi phí thuốc, khám chữa bệnh cũng tiêu tốn nhiều. Nhiều gia đình con cái còn khó khăn. Vì vậy, thêm được phần nào cũng đáng quý. Đặc biệt lần này mức tăng đến 15% sẽ giúp người hưởng lương hưu nâng cao chất lượng sống. "Sau ngày 1/7/2024, tôi hoàn toàn tự tin cuộc sống hằng ngày sẽ ổn định hơn. Vì nếu ốm đau cũng đã có BHYT và tiền tích cóp từ trước"- ông Mật hào hứng cho biết.

Cũng theo lời ông Mật, trong tháng 5/2024, ông đã được các lực lượng chức năng trên địa bàn quận Hà Đông hỗ trợ chuyển đổi hình thức nhận lương hưu và được ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản ATM miễn phí. Từ kỳ chi trả lương hưu tháng 7/2024, ông Mật có thể nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng với nhiều thuận tiện hơn phương thức nhận lương hưu trực tiếp. Ông Mật cho biết với ông, kỳ chi trả lương tháng 7/2024 mang đến “lợi ích kép”- việc vừa được nhận lương hưu qua ATM, vừa được hưởng mức lương mới.

“Việc chi trả lương hưu, thanh toán không dùng tiền mặt vừa nhanh chóng, thuận tiện lại an toàn và tiết kiệm thời gian. Tiền lương được nhận một cách an toàn, tiết kiệm thời gian, không cần phải đến điểm chi trả để nhận tiền và ký danh sách. Tôi thật sự rất hài lòng”- ông Mật hào hứng chia sẻ.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; có hơn 18,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó có hơn 1,7 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Nhằm bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21-26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995. Hiện, người hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH có mức hưởng bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng; còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách Nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng./.

Bảo Hân