Sau gần 70 ngày bùng phát đợt dịch thứ 4, TP Đà Nẵng lần đầu tiên không ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 nào theo kì báo cáo trong ngày 18/9. Ngày 19/9, Đà Nẵng tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, hiện các chuỗi lây nhiễm tại thành phố này đã được kiểm soát.
Tính từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.606 ca mắc COVID-19. Hiện, toàn địa bàn Đà Nẵng chỉ còn 26 điểm phong tỏa cứng (vùng đỏ), với 1.530 hộ và 5.778 nhân khẩu. Đặc biệt, quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà trở thành hai “quận xanh” đầu tiên của Đà Nẵng.
Tổng số lượt lấy mẫu toàn thành phố trong ngày là 14.524 lượt, trong đó có 10.506 người được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.
|
|
Đà Nẵng xây dựng phương án sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng theo mức độ đã tiêm vắc xin cho những người đủ điều kiện tham gia các hoạt động trong thời gian sắp tới. (ảnh: LT) |
Trong ngày, ngành y tế tiếp nhận thêm 140.400 liều vắc xin phòng COVID-19. Tổng số vắc xin mà Đà Nẵng tiếp nhận đến thời điểm này là 684.356 liều. Đến nay Đà Nẵng đã tiêm 530.967 liều vắc xin, trong đó 456.447 người tiêm mũi 1 và 74.520 người tiêm mũi 2.
24h qua, các quận huyện đã xử phạt 17 trường hợp có hành vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền là 83 triệu đồng. Lũy kế từ ngày 18/6 đến nay đã xử phạt 1.515 trường hợp với số tiền là 6.686,8 triệu đồng.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng COVID-19, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh giao Văn phòng UBND thành phố tiếp tục đề xuất phương án thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới. Lãnh đạo thành phố yêu cầu có 3 phương án.
Phương án thứ nhất dựa trên cơ sở Quyết định 2985/QĐ-UBND, thành phố tiếp tục mở rộng thêm một số hoạt động.
Phương án thứ 2, khi qua một thời gian, thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng sẽ chỉ tạm dừng một số hoạt động như năm 2020 ví dụ như karaoke, massage, vũ trường...
Phương án thứ 3 là sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng theo mức độ đã tiêm vắc xin để cho những người đủ điều kiện tham gia các hoạt động.
"Về vấn đề này, giao Văn phòng UBND thành phố khẩn trương xây dựng phương án để thành phố xem xét, xây dựng và đề xuất phương án phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch", Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu.
Cũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, Đà Nẵng đã đạt được kết quả nhất định nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lúc này càng phải quyết tâm thực hiện các biện pháp đề ra. Vì phấn đấu đạt được kết quả như vậy đã khó, giữ được càng khó hơn.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát các khu dân cư, từ các nơi làm việc, các cơ sở sản xuất, địa điểm mua bán lương thực, thực phẩm… để đảm bảo người ra đường đúng đối tượng và thực hiện nghiêm 5K. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh việc xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch, trong đó, tập trung vào ứng dụng tiêm chủng.
"Hiện nay tốc độ tiêm vắc xin của Đà Nẵng đạt trên dưới 50.000/ngày nên việc cập nhật để quản lý người tiêm chủng hết sức quan trọng. Vì vậy, tôi đề nghị Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp làm nhanh việc này", ông Quảng nói.
Bí thư Đà Nẵng cũng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý kết quả xét nghiệm.
Theo ông Quảng, nếu như tới đây, thành phố hoàn thiện và thí điểm áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng thì kết quả xét nghiệm của người dân sẽ có rất nhiều giá trị. Người dân có thể sử dụng kết quả xét nghiệm, số mũi vắc xin phòng COVID-19 đã tiêm trên app (ứng dụng) thay cho giấy đi đường.
Ông Quảng cũng đề nghị Sở Y tế cung cấp số liệu những F0 đã khỏi bệnh, coi như đây là một điều kiện tương ứng với người đã được tiêm 2 mũi để đưa vào cơ sở dữ liệu làm thẻ xanh.
Đồng thời, Bí thư Đà Nẵng đề nghị Sở Y tế sớm chuẩn bị quy trình về kiểm soát dịch ở các doanh nghiệp để trong buổi đối thoại với doanh nghiệp tới đây, lãnh đạo thành phố sẽ trao đổi và định hướng xây dựng thẻ xanh cho doanh nghiệp.