Ngày 10/9, UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, chính quyền đang lên phương án để di chuyển 97 người đồng bào dân tộc thiểu số ở trong rừng thuộc địa bàn xã ra khỏi khu vực này trước khi bão số 5 đổ bộ vào.
Trước đó, 97 người là người đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An... từ quê ra Đà Nẵng làm thuê cho các chủ rừng trồng tràm thuộc địa bàn xã Hòa Bắc.
Sau đó, TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhóm người này bị mắc kẹt trong rừng. Thời gian qua, chính quyền xã Hòa Bắc đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhóm người này. Hiện, có 59/97 người xin được về quê, UBND xã Hòa Bắc đã có văn bản báo cáo UBND huyện Hòa Vang kiến nghị TP có phương án hỗ trợ.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, trước mắt xã Hòa Bắc đang bàn phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho 97 người này. Cụ thể, xã Hòa Bắc sẽ làm việc với các chủ rừng để đưa bà con vào các vị trí an toàn như trường học, không để bà con trong rừng.
Trước đó vào ngày 31/8, Công an TP Đà Nẵng đã điều động lực lượng đưa 16 người Quảng Ngãi về quê khi những người này bị mắc kẹt lại Đà Nẵng do dịch. 16 người này đều là đồng bào dân tộc Hrê trú tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), gồm nhiều gia đình với phụ nữ và trẻ em.
Tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 và ứng phó với bão số 5 trong bối cảnh phòng, chống COVID-19 vào chiều 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng nhận định bão số 5 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, bão số 5 dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền TP Đà Nẵng vào rạng sáng 12/9.
Hiện tại, thành phố còn 10 tàu thuyền/119 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 5 phương tiện đang trong vùng nguy hiểm, cần đến nơi tránh trú an toàn. Thành phố còn 400 ha lúa chưa thu hoạch, dự kiến đến ngày 20/9 mới thu hoạch hoàn toàn số lúa còn lại này.
Đà Nẵng sẽ sơ tán hơn 58.000 người theo kịch bản ứng phó với bão cấp 8/11, trong đó, sơ tán hơn 18.000 người ở trong các khu nhà tạm, nhà không kiên cố đến các nơi sơ tán tập trung.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, lần này thành phố chống bão khác với những lần trước và chưa từng có tiền lệ, bởi vừa phải chống bão vừa phòng, chống COVID-19.
|
|
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di chuyển tàu thuyền, thu dọn ngư lưới cụ đồng thời chủ động chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão...(ảnh: TH) |
“Đây là một việc rất khó, mặc dù đã có kinh nghiệm chống bão nhưng các đơn vị, địa phương không được chủ quan và không để lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình chống bão. Các sở, ban, ngành và địa phương phải chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống bão, trong đó việc tổ chức lực lượng và sơ tán dân đến nơi an toàn là vấn đề lớn. Các địa phương phải có phương án sơ tán dân, bố trí nhiều địa điểm. Khi sơ tán thực hiện như phương án giãn dân ở các “vùng đỏ” trong thời gian qua với nguyên tắc mỗi hộ gia đình ở 1 phòng, tránh bố trí nhiều hộ gia đình vào 1 phòng.” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết.
UBND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác triển khai ứng phó bão ở các cơ sở, xã, phường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là việc bố trí sơ tán dân trú bão.
“Đối với khu vực âu thuyền Thọ Quang, phải tiếp nhận các tàu cá ngoại tỉnh vào trú bão để bảo đảm an toàn của ngư dân lên trên hết. Nên các đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án đón ngư dân vào trú bão, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy cho các tàu thuyền đang neo đậu trú bão ở âu thuyền” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.