Theo Trung tâm Khí tượng Thùy văn Quốc gia, bão số 5 (bão Côn Sơn) đang tiến vào đất liền nước ta với vùng gần tâm bão lúc 10h ngày 10/9 là cấp 10, giật cấp 12. Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây Bắc, cường độ giảm xuống cấp 7-8, mỗi giờ đi được khoảng 10km và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Trước dự báo cơn bão số 5 có ảnh hưởng đến Đà Nẵng, ngay từ sáng ngày 10/9, người dân thành phố đã bắt đầu di chuyển tàu thuyền thu dọn ngư lưới cụ đồng thời chằng chống nhà cửa để ứng phó với cơn bão số 5.
|
|
Tại khu vực ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), bắt đầu từ trưa ngày 10/9 đã có mây mù và mưa rải rác do ảnh hưởng của bão số 5. (ảnh: VH) |
|
|
Trong thời điểm giãn cách xã hội nhưng để chủ động ứng phó với bão số 5 nên nhiều ngư dân đã được tạo điều kiện để xuống biển thu dọn ngư lưới cụ, giằng néo thuyền thúng, chằng chống nhà cửa.(ảnh: VH) |
|
|
Tàu thuyền của ngư dân neo đậu an toàn trong cảng cá Thọ Quang. Theo thống kê của Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tính đến 9h ngày 10/9 đã có 503 tàu cá vào âu thuyền trú bão, trong đó có 323 tàu cá Đà Nẵng. (ảnh: VH) |
|
|
Nhiều lực lượng hỗ trợ ngư dân đưa thuyền thúng lên bờ. (ảnh: TH) |
|
|
Khu vực ven biển này vùng biển này có hàng trăm thuyền thúng lớn nhỏ neo đậu cùng rất nhiều lồng bè của ngư dân.(ảnh: TH) |
|
|
Ông Hồ Nhơn (trú phường Thọ Quang) cho hay sáng nay được các chốt kiểm soát tạo điều kiện để ra biển thu dọn thuyền thúng. Theo ông Nhơn, lực lượng dân phòng đã hỗ trợ rất nhiệt tình. Lãnh đạo phường cũng cho phép đi mua các vật dụng cần thiết cho việc chống bão.(ảnh: TH) |
|
|
Đại diện quận Sơn Trà cho hay, địa phương đang tạo điều kiện cho người dân chống bão theo đúng theo tình chỉ đạo của lãnh đạo TP tại cuộc họp chiều 9/9. Địa phương đã có sự chủ động hỗ trợ với phương châm “4 tại chỗ”, nỗ lực bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.(ảnh: TH) |
|
|
Thuyền thúng được ngư dân đưa lên bờ che đậy cẩn thận. (ảnh: TH) |
|
|
Người dân tích cực chuẩn bị bao cát để cố định mái nhà trước cơn bão lớn. (ảnh: LT) |
|
|
Hiện nay, TP đang lên phương án các điểm dân tới, các vùng dân đi và các điều kiện cho dân họ ở. Nếu như bão cấp 10 đến cấp 11 thì Đà Nẵng sẽ di dời khoảng 70.000 dân thuộc các khu vực gần biển như Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.(ảnh: LT) |
Trong ngày 10/9, tại cảng cá Thuận An và âu thuyền Phú Hải (tỉnh Thừa Thiên - Huế), để ứng phó với bão số 5, ngư dân cũng hối hả neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn và chuẩn bị các phương án phòng chống bão. Hầu hết các tàu thuyền được neo đậu một cách chắc chắn và an toàn.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động thông báo cho các chủ tàu thuyền hướng di chuyển của bão, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn. Đồng thời tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phương án sơ tán dân an toàn theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo phòng, chống dịch tại các điểm sơ tán, khu cách li…
Để chủ động ứng phó với bão số 5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng đã đề nghị địa phương trong tỉnh khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện giúp dân thu hoạch lúa, chuẩn bị tốt các điều kiện phơi sấy, bảo quản, cất giữ nông sản.
Đến nay, theo thống kê trên địa bàn Quảng Trị vẫn còn khoảng 5.000 ha lúa hè thu chưa chín tới, chiếm khoảng 20% diện tích gieo trồng. Trong ngày 10/9, nhiều nông dân tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã thuê máy gặt, khẩn trương thu hoạch lúa, vận chuyển về nhà.
Tại vùng biển của tỉnh Quảng Trị công tác phòng chống chống bão số 5 đang được khẩn trương triển khai. Theo thống kê, đến thời điểm này tỉnh Quảng Trị có gần 2.300/7.000 ngư dân đã vào bờ tránh bão số 5 an toàn. Đến nay, vẫn còn gần 40 tàu cá /400 thuyền viên đang tham gia đánh bắt xa bờ, chủ yếu gần khu vực đảo Cồn Cỏ. Tất cả số tàu thuyền trên đã nhận được thông tin về bão số 5 và di chuyển vào nơi tránh trú.
Cùng với các tỉnh miền trung, tỉnh Quảng Bình đã lên kế hoạch di dời dân, sơ tán tàu thuyền, phòng chống sạt lở, ngập úng; xây dựng phương án phòng chống siêu bão... Quảng Bình hiện có 700 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch. Nhiều lực lượng như công an, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ đã xuống đồng thu hoạch lúa, chở về tận nhà giúp dân để tránh bão.
Trước thông tin bão Côn Sơn gây mưa lớn, người dân Hà Tĩnh hối hả ra đồng thu hoạch lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Hiện tại, nhiều cánh đồng lúa mới chín được hơn 70% nhưng nông dân đành chấp nhận.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được được 38.250/45.000 ha lúa hè thu, đạt 85% tổng diện tích. Hiện 15% diện tích lúa chưa được thu hoạch. Hiện tại huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành gặt lúa trước mùa bão. Huyện Kỳ Anh đã thu hoạch đạt 95% diện tích. Còn huyện Thạch Hà đạt 92% diện tích...
Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh là 7.018 hecta, sản lượng chưa thu hoạch dự kiến 5.619 tấn. Để ứng phó với bão Conson, Chi cục Thuỷ sản đã khuyến cáo người dân chủ động gia cố ao hồ, lòng bè, kê cao nguyên liệu, thức ăn đảm bảo an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra đối với hồ nuôi ao đến kỳ thu hoạch thì thu hoạch, lồng bè phải đưa vào vị trí an toàn để tránh bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo, đến khoàng 10h ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
Đến 10h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, sau tăng lên cấp 11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động dữ dội.
Từ đêm nay (10/9), ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-5,0m; biển động rất mạnh.
Từ đêm nay (10/9) đến 13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, ở Quảng Nam-Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt)
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.