Trước thực trạng này, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền tại cơ sở, Công an huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tới các cơ quan, đơn vị, trường học và người dân trên địa bàn huyện để chủ động nhận diện, phòng ngừa, “tạo sức đề kháng” đối với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Tuyên truyền sâu rộng tới người dân
Theo Công an huyện Yên Lạc, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động, theo chỉ đạo của Công an tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thời gian qua, Công an huyện, Công an xã đã đẩy mạnh thông tin tuyền truyền về cách nhận diện các thủ đoạn lừa đảo qua mạng để người dân trên địa bàn nắm được và nâng cao cảnh giác.
|
|
Công an xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc họp với các Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở để triển khai ký cam kết phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. |
Thượng tá Lê Xuân Minh – Phó trưởng Công an huyện Yên Lạc cho biết, việc phổ biến, tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng được đơn vị tổ chức thường xuyên. Trong đó, phổ biến cho toàn thể CBCS nắm chắc, cụ thể để từ đó tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao cảnh giác, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản, đồng thời xây dựng văn hoá sử dụng các trang mạng, cách ứng xử trên môi trường mạng an toàn.
Trước đó, huyện ủy Yên Lạc chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng. Trong đó, yêu cầu các đảng ủy, chi ủy trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện tập tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản. Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng.
Về nhận diện, phòng ngừa một số phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn, đại diện Đội CSHS – Công an huyện Yên Lạc cho biết, hiện nay tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân. Trong thời gian gần đây, các đối tượng đã và đang sử dụng các loại phương thức, thủ đoạn như: giả danh các cơ quan, tổ chức (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Nhà mạng, Công ty điện lực, nhân viên ngân hàng…) sử dụng thủ đoạn giả mạo tài khoản zalo, facebook để lừa đảo; thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên kiếm tiền online; cho vay tiền qua app; giả danh nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu đề nghị chuyển tiền…Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi như vậy, đại diện Đội CSHS cũng thông tin về 10 biện pháp phổ biến để phòng tránh, không bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
|
|
Công an huyện Yên Lạc tuyên truyền tại UBND xã Hồng Châu. |
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán hàng qua mạng trên trang Facebook
Theo đại diện Đội CSHS – Công an huyện Yên Lạc, ngày 12/8/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Quang (sinh năm 2003, trú tại phường Lương Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ngày 20/2/2024 tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán hàng qua mạng trên trang Facebook.
“Đối tượng có hành vi lừa đảo còn trẻ tuổi”, đại diện Đội CSHS – Công an huyện Yên Lạc cho hay.
Trước đó, Nguyễn Minh Quang (sinh năm 2003, trú tại phường Lương Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) quen biết và làm bạn với H. T. T (sinh năm 2008, trú tại xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Quang thấy H. T. T thường xuyên đăng bán đồ làm Nail trên mạng xã hội Facebook và có nhiều người hỏi mua. Thấy vậy, Quang nảy sinh ý định về việc đăng bán đồ cũ lên các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực hiện ý định, Quang nói với H. T. T sử dụng nick Facebook “Hạ Thuý” tham gia vào nhóm “HỘI THANH LÝ ĐỒ CŨ VĨNH PHÚC”. Sau đó Quang sử dụng điện thoại lên mạng tải hình ảnh đồ gia dụng cũ như tủ lạnh, điều hoà, giường, tủ quần áo… đăng lên nhóm “HỘI THANH LÝ ĐỒ CŨ VĨNH PHÚC” với nội dung “E cần thanh lý hết đồ dùng ạ”.
|
|
Tại các hội nghị, buổi tuyên truyền lực lượng An ninh Công an huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc tập trung đi sâu vào 24 phương thức thủ đoạn đang nổi cộm và cách phòng tránh cũng như cách thức xử lý khi đã bị lừa đảo. |
Ngày 20/2/2024, chị N. T. T (sinh năm 1993 trú tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã nhắn tin, gọi video call qua ứng dụng Messenger đến Messenger nick Facebook “Hạ Thuý” do Quang và H. T. T cùng sử dụng để hỏi mua tủ lạnh, tủ quần áo. Sau khi thống nhất giá tủ lạnh là 1.500.000 đồng, giá tủ quần áo là 1.000.000 đồng, thời gian giao hàng là chiều ngày 20/02/2024, địa điểm giao hàng tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Quang yêu cầu chị N. T. T chuyển số tiền 2.500.000 đồng rồi sẽ giao hàng như đã hẹn. Chị N. T. T đồng ý và sử dụng tài khoản ngân hàng chuyển tiền đến số tài khoản của H. T. T do Quang cung cấp. Sau khi chuyển tiền thành công thì chị N. T. T không liên lạc được với Quang, cũng không nhận được hàng như đã hẹn. Biết mình bị lừa, chị N. T. T đã làm đơn trình báo đến cơ quan Công an đề nghị được giúp đỡ giải quyết.
Căn cứ tài liệu đã thu thập trong hồ sơ. Xác định hành vi của Nguyễn Minh Quang và H. T. T lợi dụng mạng xã hội Facebook đưa thông tin, hình ảnh không có thật để tạo lòng tin chiếm đoạt tài sản của chị N. T. T. Ngày 12/8/2024, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Yên Lạc đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Quang (21 tuổi) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định theo khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Đối với H. T. T, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội H. T. T chưa đủ 16 tuổi (15 tuổi 8 tháng 16 ngày) nên không khởi tố bị can đối với H. T. T trong vụ án trên.
|
|
CBCS Công an huyện Yên Lạc ký cam kết về tích cực tham gia tuyên truyền cho bạn bè, người thân và Nhân dân nơi cư trú; chia sẻ các thông tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với phương châm “mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên”. |
Nâng cao cảnh giác
Hiện nay, lực lượng công an các cấp đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn làm thẻ căn cước và cài đặt định danh điện tử mức 2. Nắm bắt thông tin này, không ít đối tượng xấu đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã bị các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ công an yêu cầu người dân làm định danh điện tử, rồi thực hiện theo các yêu cầu của chúng. Chị Nguyễn Thị Yên (xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc) cho biết: "Tôi nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ công an đề nghị cài đặt định danh mức độ 2 do lần trước cài đặt bị lỗi hệ thống nên tôi tin là cơ quan công an đề nghị cài đặt lại định danh điện tử. Tuy nhiên, các đối tượng lại nói nếu tôi bận thì cán bộ công an có thể thực hiện giúp, với điều kiện người dân truy cập theo đường link lạ". Nghi ngờ bị lừa đảo, chị Yên đã trình báo với cán bộ thôn dân cư và được biết: Việc thực hiện cài đặt định danh mức độ 2 sẽ được thực hiện tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất.
|
|
CBCS Công an huyện Yên Lạc ký cam kết về tích cực tham gia tuyên truyền cho bạn bè, người thân và Nhân dân nơi cư trú; chia sẻ các thông tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với phương châm “mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên”. |
Lực lượng Công an chỉ có duy nhất ứng dụng VneID để kích hoạt định danh và không có tài khoản nào khác thay thế. Cài đặt định danh điện tử mức 2, công dân phải trực tiếp đi làm do phải chụp ảnh, quét vân tay nên không thể làm thay… Rất may, chị Yên đã không kích hoạt vào đường link lạ và làm theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
Công an huyện Yên Lạc cho biết, thủ đoạn giả danh cán bộ làm việc tại các cơ quan nhà nước gọi điện để lừa đảo đã xuất hiện từ lâu, nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy bởi "kịch bản" lừa đảo liên tục thay đổi. Một số thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng là xác thực thông tin định danh cá nhân, mời nâng cấp thẻ tín dụng, vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp, thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ, hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản...Sau đó, các đối tượng thao túng tâm lý và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn, cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP.
|
|
Nguyễn Minh Quang khai báo tại Công an huyện Yên Lạc. |
Do đó, thông qua các buổi buổi tuyên truyền, Công an huyện Yên Lạc khuyến cáo: Người dân không truy cập vào đường link lạ, cài đặt phần mềm lạ, cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, trong bất kỳ trường hợp nào; Không đăng tải thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm lên các nền tảng mạng xã hội; Không tham gia các công việc online việc nhẹ lương cao, hoa hồng lớn; Cảnh giác cao với các cuộc gọi vay tiền, nhờ chuyển tiền,…Các cơ quan nhà nước làm việc với người dân bằng giấy mời, giấy triệu tập và tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào; Các trường hợp sự cố liên quan tới ngân hàng, nhà mạng hãy đến trực tiếp phòng giao dịch để được tư vấn, xử lý; Tìm hiểu kỹ các sàn thương mại, giao dịch, ngoại hối,… trước khi đầu tư.
Để phòng tránh, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về an ninh mạng, không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai qua các kênh không chính thống, và luôn thận trọng với những lời mời gọi, thông báo không rõ ràng. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất...
Ba kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân
Bộ Công an và Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo ba kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
1. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên mạng.
Trừ khi chắc chắn thông tin được sử dụng có kiểm soát, không nên gửi thông tin cá nhân như căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe... qua mạng. Người dân cần đảm bảo chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho cá nhân và tổ chức tin tưởng.
2. Thiết lập mật khẩu an toàn và 2 lớp
Để bảo vệ tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok, instagram...) của mình, người dân cần sử dụng mật khẩu an toàn.
Mật khẩu nên dài hơn 8 ký tự và bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt; nên đổi mật khẩu thường xuyên và không nên sử dụng mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản khác nhau. Người dân cần lập mật khẩu 2 lớp để khi có kẻ xấu truy cập vào tài khoản của mình sẽ được cảnh báo đến điện thoại đã đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ.
3. Chủ động tìm hiểu về các mối đe dọa từ không gian mạng
Người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng. Cần sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng.
|