Cảnh giác với trò lừa đảo tham gia bán hàng online nhận tiền “hoa hồng”
Dẫn chứng vụ việc cụ thể, công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngày 4/12, Công an huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị N.T.T (trú huyện Đức Cơ) về việc bị đối tượng quen biết qua mạng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,9 tỉ đồng.
Theo đó, vào khoảng tháng 11/2024, thông qua mạng xã hội, chị T. kết bạn làm quen với một người tên Tuấn, tự giới thiệu là Công an TP Hà Nội). Khi có được niềm tin của chị T. Tuấn giới thiệu chị tham gia bán hàng online nhận “hoa hồng”, hướng dẫn chị T. truy cập vào đường link và tạo lập gian bán hàng trên mạng xã hội Facebook. Trong khoảng 8 ngày, chị T. đã thực hiện khoảng 62 đơn đặt hàng, 25 lần chuyển tiền với tổng cộng hơn 1,9 tỷ đồng. Vì không còn khả năng chuyển tiền, chị T. yêu cầu rút vốn không làm nữa thì Tuấn lấy lý do gian hàng của chị T. mới được lập, chưa là thành viên chính thức nên phải nộp thêm “thuế thu nhập cá nhân” với số tiền 195 triệu đồng thì công ty mới cho rút hết số tiền đã nộp vào. Sau nhiều lần liên lạc với Tuấn nhưng không thể rút tiền, chị T. nghi ngờ bị lừa nên đến Công an huyện Đức Cơ trình báo vụ việc.
Theo công an huyện Đức Cơ, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản, hồ sơ mạng xã hội giả mạo, thường đưa các tin, bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Khi bị hại liên hệ đến để kiếm việc làm, các đối tượng yêu cầu phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Một đơn hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20%. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên bị hại sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa hẹn nhằm tạo lòng tin. Đến khi số tiền đặt các đơn hàng của bị hại ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở các chiêu trò, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của bị hại. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thông báo đến bị hại trúng thưởng một giải thưởng lớn rồi dụ dỗ nạn nhân tham gia làm nhiệm vụ đặt đơn hàng, kiếm tiền online...
Trước thông tin trên, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân không tham gia các hình thức bán hàng online với lợi nhuận hoặc tiền hoa hồng cao. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền. Không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức. Không tham gia mọi hình thức làm nhiệm vụ đặt đơn hàng để kiếm lợi nhuận. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Mê muội “bùa yêu”, bị lừa tiền
Không chỉ bị lừa đảo với thủ đoạn trên, gần đây trên mạng xã hội còn rộ lên thú chơi “bùa yêu”. Lợi dụng sự cả tin, mù quáng của các nạn nhân, một nhóm đối tượng lừa đảo đã tự chế phẩm màu và hương liệu rồi đóng vào những lọ thủy tinh nhỏ hoặc chất bột để làm "bùa yêu", sau đó quảng cáo và rao bán cho hàng trăm người trên mạng xã hội. Nhóm đối tượng lừa đảo này vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bảng, Hà Nam phát hiện, bắt giữ.
Vào khoảng tháng 8 năm 2024, qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy, Công an huyện Kim Bảng, Hà Nam phát hiện nhóm đối tượng người địa phương có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng thủ đoạn bán “bùa yêu” trên mạng xã hội. Vào cuộc điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ, khởi tố 3 đối tượng cùng trú tại Thôn 1, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam gồm: Lê Văn Hưng (sinh năm 2002), Lê Văn Truyền (sinh năm 2004) và Nguyễn Phi Lương (sinh năm 2003) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan Công an thu giữ hàng ngàn túi “bùa yêu” được đóng gói bên trong gồm một chai nước hương liệu, một lá bùa, trong đó có hướng dẫn cách sử dụng, đang được chuẩn bị đem bán cho những người nhẹ dạ, tin vào những lời quảng cáo đầy mê tín dị đoan. Nhóm đối tượng đã sử dụng các trang mạng xã hội Facebook “Vũ Hoàng Thiên - Tâm Linh Thái Lan”; “Nguyễn Tâm Linh Thái Lan”; “Nguyễn Phong - Tâm Linh Thái Lan”, “Mợ Chảnh - Tâm Linh”… để quảng cáo, lan truyền thông tin “bùa yêu” có khả năng hút tình, khiến người yêu hoặc vợ, chồng nghe lời và hút tài lộc. Đã có rất nhiều người tin tưởng, đặt mua “bùa yêu” của nhóm đối tượng này và chuyển tiền với giá từ 250.000 đến 500.000 đồng cho một túi “bùa yêu”. Dù mới hoạt động trong thời gian ngắn trước khi bị cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ, cơ quan Công an xác định có hàng trăm người ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đã sập bẫy của nhóm lừa đảo này.
|
|
03 đối tượng cùng tang vật. |
Hiệu nghiệm của “bùa yêu” thì chưa thấy, nhưng việc các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tiền thì đã rõ.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân không nên tin vào những lời quảng cáo, mê tín dị đoan trên mạng xã hội. Người dân nên lựa chọn và tìm đến những địa chỉ uy tín, không nên quá tin tưởng vào những hình thức biến tướng của hình thức xem tâm linh trên không gian mạng. Người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên mạng xã hội. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Cảnh báo xuất hiện đối tượng gọi điện mạo danh thủ quỹ trường học để lừa đảo
Thông tin từ Công an huyện Bến Lức (Long An), gần đây, có một số đối tượng mạo danh thủ quỹ của trường học và Công an huyện Bến Lức liên hệ phụ huynh học sinh yêu cầu cung cấp thông tin để làm định danh điện tử mức độ 2.
Hình thức lừa đảo trên không phải mới nhưng đã có sự biến tướng và tinh vi hơn khiến nhiều người dân vẫn bị sập bẫy. Lợi dụng sự nắm bắt chưa đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt app VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử của một bộ phận người dân, đối tượng lừa đảo đã gọi điện, sau đó gửi đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook... yêu cầu người dân truy cập và cài đặt phần mềm VNeID giả mạo (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật). Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo được cấp quyền truy cập mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP…, đối tượng sẽ kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Trước chiêu trò tinh vi trên, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân tuyệt đối đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến, tránh nguy cơ bị chiếm quyền điều khiến toàn bộ thiết bị và chiếm đoạt tài sản. Không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức, tránh truy cập vào những đường dẫn lạ. Thực hiện xác minh danh tính của đối tượng và thông tin được đối tượng yêu cầu thông qua kênh thông tin chính thống. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
|