|
|
Trong sinh hoạt hàng ngày, khí CO được tạo ra khi các nguồn nhiên liệu như: xăng, dầu, ô tô, lò sưởi, bếp lò, bình nóng lạnh đốt gas, lò than, lò vôi, trong khói thuốc lá...(Ảnh minh họa) |
Trong những năm gần đây, số nạn nhân bị ngộ độc khí Carbon monoxide (CO) chưa có xu hướng giảm. Các vụ việc do Cơ quan điều tra thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh thụ lý điều tra có phần giảm là do các cơ quan khai thác mỏ đã có các biện pháp, giải pháp thông gió và cảnh báo khí độc tốt, đã loại trừ nguy cơ phát sinh khí độc, trong đó có cảnh báo khí CO. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, vẫn còn có các vụ việc tai nạn thương tâm liên quan đến ngộ độc khí CO, đặc biệt là những người làm việc, sinh hoạt trong điều kiện có nguy cơ phát sinh khí Carbon monoxide.
Điển hình là vụ tai nạn trong hầm mạn tàu chở hàng dăm gỗ từ Thái Nguyên về TP Hạ Long ngày 30/12/2023, khi tàu đang mắc cạn tại phao số 9, thuộc xã Liên Hòa, TX Quảng Yên, Quảng Ninh. Hậu quả làm 3 người trên tàu là vợ chồng anh N.Q.C (SN 1985) và chị T.T.M (SN 1985), con trai là N.M.H (SN 2006), đều trú tại Cáp Thành, Trực Ninh, Nam Định tử vong trong hầm mạn của tàu chở hàng dăm gỗ do ngộ độc khí Carbon monoxide.
Carbon monoxide là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích ứng đường hô hấp, không kích thích da, mắt, niêm mạc...vì vậy, rất khó nhận biết được sự có mặt của khí CO trong không khí thở, không thể nhìn cũng như không thể ngửi thấy nó. Chất khí này trong không khí có thể được con người hít vào và dễ dàng hấp thụ qua phổi.
Khí CO trong không khí thở hầu như không xuất hiện, trong điều kiện khí oxy (O2) tiêu chuẩn 20%-21%. Khí CO có tính liên kết với các hemoglobin (Hb) có trong hồng cầu với khả năng mạnh gấp 230-270 lần so với Oxy, nếu hít vào phổi khí CO sẽ gắn chặt với hemoglobin (Hb) tạo thành HbCO làm máu không thể chuyên chở oxy đến các tế bào do phân tử khí CO gắn quá chặt vào phân tử hemoglobin, chiếm mất vị trí hemoglobin gắn với oxy.
Khí CO được đào thải qua đường hô hấp dưới dạng không đổi. Thời gian để bán thải khoảng 4 giờ. Khi thông khí cùng oxy đẳng áp thì thời gian bán thải còn khoảng 80 phút, với Oxy cao áp còn khoảng 23 phút.
Có nhiều nguồn sinh ra khí Carbon monoxide phổ biến từ khí thải của động cơ đốt trong tạo ra sau khi đốt các nhiên liệu gốc cacbon (gần như là bất kỳ nguồn nhiên liệu nào hiện nay, ngoại trừ hydro nguyên chất); trong hầm lò, giếng cạn, bể nước để lâu ngày không sử dụng, hầm hàng kín của tàu chở hàng, hầm, cống kín, xuất hiện trong các đám cháy...
Trong sinh hoạt hàng ngày, khí CO được tạo ra khi các nguồn nhiên liệu như xăng, dầu, hơi đốt, gỗ cháy không hết, trong các thiết bị dùng chúng làm nhiên liệu như xe máy, ô tô, lò sưởi, bếp lò, bình nóng lạnh đốt gas, lò than, lò vôi, trong khói thuốc lá...
Do sự nguy hiểm, độc hại, khó nhận biết và khả năng gây chết người nhanh chóng của khí Carbon monoxide nên cảnh báo để người dân phòng tránh, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc: Không sử dụng máy nổ, nổ máy ô tô, mô tô, xe máy trong phòng kín; không đốt củi, lò than sưởi ấm trong phòng ngủ, trong nhà, đặc biệt khi có khí hậu lạnh, giá buốt trong những ngày gần đây; sử dụng bình nóng lạnh đốt khí gas thì phải lắp đặt bình đốt ngoài nhà tắm; thận trọng và phải kiểm tra trước khi xuống các hầm hàng (có thể kiểm tra bằng thả gà sống xuống trước); đặc biệt, những ngày cận Tết khi dọn dẹp kho hàng kín, nạo vét, sửa giếng cạn để lâu ngày, hầm, cống kín...