Việc tuân thủ quy chuẩn còn bỏ ngỏ

Sáng ngày 15/12/2023, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thực trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị hiện nay".

Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng; PGS. TS Phạm Ngọc Châu - Nguyên Chủ nhiệm khoa Vệ sinh Quân đội, Học viện quân y; Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Văn Vẻ; Chuyên viên Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Ths. Nguyễn Thu Phương và Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

leftcenterrightdel
 Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống Nguyễn Khánh Toàn tặng hoa các khách mời tham dự chương trình tọa đàm.

Theo số liệu thống kê của Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đến tháng 6/2023, cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu m3, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt là 87% và nước ngầm là 13%.

Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Trong đó giai đoạn 2011-2020 về cấp nước đô thị cơ bản hoành thành những mục tiêu, định hướng phát triển được đề ra, năm 2020, tổng công suất các nhà máy nước khoảng 10,9tr m3/ngày, tỷ lệ cấp nước đô thị đạt trên 89%; Đến năm 2022 đã tăng tổng công suất các nhà máy nước lên khoảng 12,6 triệu m3/ngày, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tăng lên 95%.

Đánh giá về chất lượng nước sinh hoạt hiện nay, PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay nhiều khu vực tại đô thị đang phải đối mặt với nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt. Mặc dù đã có những quy chuẩn về chất lượng nước nhưng việc tuân thủ quy chuẩn này vẫn còn bỏ ngỏ.

“Nếu chúng ta quan tâm đúng mức tới vấn đề quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch các công trình cấp nước sẽ hạn chế được một số vấn đề như thiếu nước như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, khi đã có đề án quy hoạch nhưng không thực hiện triệt để, việc tổ chức thực hiện chưa tốt; chưa tháo gỡ được những khó khăn của các doanh nghiệp cung cấp nước, nhà máy nước. Vì vậy, vấn đề quy hoạch cần đi trước một bước và mang tính dài hạn”, Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An nêu quan điểm.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng phát biểu tại buổi Toạ đàm.

Cũng đưa ra nhận xét về chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị, PGS. TS Phạm Ngọc Châu cho rằng nguồn nước cung cấp cho đô thị và đặc biệt là Hà Nội rất nan giải.

Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế nguồn nước cung cấp phải hợp vệ sinh là đảm bảo chất lượng và số lượng. Hiện nay giám sát chất lượng nước đã có các cơ quan chuyên ngành giám sát các chất lượng nguồn nước, tuy nhiên về thực tế, chúng ta nên có hệ thống cảnh báo thường xuyên chứ không phải có vấn đề mới đem mẫu nước đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, chỉ số chất lượng nước nên được công khai minh bạch để bên cung cấp nước có thể có những phương pháp nghiên cứu và thay đổi chất lượng nước.

Nói về công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt thời gian qua, ThS. Nguyễn Thu Phương chia sẻ: “Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được thông qua ngày 27/11/2023 có nhiều điểm mới, Luật Tài nguyên nước 2023 đã quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành. Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

leftcenterrightdel
 Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phát biểu tại buổi Toạ đàm.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cần có cơ chế chính sách đảm bảo về quy hoạch cho chặt chẽ. Theo Luật phòng thủ dân sự vừa được Quốc hội thông qua, Luật này sẽ giải quyết các thảm họa, sự cố khẩn cấp của công dân. Theo đó, cần thành lập Ban phản ứng nhanh xử lý tình huống khẩn cấp về đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Khi với cảm quan, chất lượng nước không đảm bảo an toàn, người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện và cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu nhà cung cấp nước sạch biết nguồn nước không đảm bảo nhưng vẫn cố ý cung cấp cho người dân biết hậu quả xảy ra khiến người dân ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, có thể gây chết người nhưng vẫn bỏ mặc đây là lỗi cố ý là vấn đề trách nhiệm hình sự và là trách nhiệm của nhà cung cấp.

Cần xây dựng, ban hành Luật Cấp, thoát nước

Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị thời gian tới, ông Nguyễn Văn Vẻ cho rằng trước tiên phải rà soát, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về cấp nước đô thi hiện nay để làm cơ sở điều chỉnh toàn bộ hành vi liên quan đến cấp nước đô thị; trong đó, cần sớm xây dựng ban hành Luật Cấp, thoát nước. Cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với trình độ khoa học - công nghệ hiện nay.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Vẻ- Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu tại buổi Toạ đàm.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Vẻ, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An cũng cho rằng công tác quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với một đất nước chưa đủ nguồn lực trong mọi lĩnh vực như Việt Nam hiện nay thì chủ trương xã hội hóa là cần thiết.

 “Muốn huy động được tương đối lượng nguồn lực xã hội vào lĩnh vực nước sạch thì chúng ta cần phải hài hòa lợi ích các bên giữa doanh nghiệp – nhà nước – người dân. Ví dụ, chúng ta cần có cơ chế chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp họ yên tâm tham gia, họ tham gia thấy có lãi, có thể phát triển được. Do vậy, chúng ta có thể có những hỗ trợ ưu tiên về thuê đất, thuế...” PGS. TS Bùi Thị An chia sẻ và nhấn mạnh đến nguyên tắc hài hòa lợi ích – nghĩa là người dân có nước sạch sử dụng, nhà nước có nguồn thu, doanh nghiệp tồn tại và phát triển được.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống: Bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân tại các đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết

Hiện nay tại một số khu vực đô thị vẫn bị thiếu nước sạch hoặc chất lượng nước chưa đảm tiêu chuẩn theo quy định, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cũng như cuộc sống của người dân. Các đô thị đã được quy hoạch rất cụ thể và rõ ràng từ cơ sở hạ tầng cho đến mạng lưới cấp, thoát, nhưng thời gian qua vẫn có tình trạng một số khu đô thị bị thiếu nước sạch, hoặc chất lượng nước không đảm bảo vẫn cung cấp cho người dân sử dụng. Chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại khu đô thị mới, khu chung cư hay tại giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như: chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amôni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác. Mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập của chất thải. Hay công tác kiểm định giám sát chất lượng nước sạch chưa thực hiện nghiêm. Vì vậy, việc bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân tại các đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. 


PV