Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn đến cả người và tài sản. Thông tin từ Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được tổ chức vào sáng nay 15/9, tổng hợp báo cáo của các địa phương, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết, mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết…
Tuy nhiên lợi dụng tình hình thiên tai này, nhiều đối tượng đã đăng tải, phát tán những thông tin không chính xác gây hoang mang trong dư luận, khiến cơ quan chức năng vừa phải gồng mình khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra mà còn phải đấu tranh chống “cơn bão” tin giả đang hoành hành.
|
|
Tin giả tràn lan trên mạng xã hội khi cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta. |
Giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 hay thông tin sai sự thật về tình hình bão lũ tại Thái Nguyên: “Đê sông Cầu đã không giữ được nữa, dự kiến nước sẽ dâng lên 2m toàn bộ thành phố khu vực quảng trường sẽ bị ngập hết.”
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều tin giả đã xuất hiện trên mạng xã hội khiến người dân bức xúc trong thời gian vừa qua, khi cơn bão số 3 gây thiệt hại cho nhiều tỉnh, thành phố.
Chị Hoàng Ngân, TP Hà Nội chia sẻ: “Khi xem những hình ảnh đó mình vô cùng xúc động, rất là thương, ngay lúc đó mình muốn giúp đỡ họ nhưng sau khi biết những hình ảnh đó là dàn dựng, cắt ghép… thì mình vô cùng bức xúc khi những người đồng bào đang gặp khó khăn lại bị đem ra lợi dụng để đạt được mục đích của người khác”.
Có thể thấy, tin giả không chỉ gây hoang mang, lo lắng cho người dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chức năng.
Bà Đặng Thị Phương Thảo – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Những thông tin giả gây nhiễu loạn thông tin cho các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ ở các địa bàn xảy ra bão lũ cũng như gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin chính xác để hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, những thông tin giả này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế, xã hội như liên quan đến giá cả thực phẩm, các kênh hỗ trợ”.
|
|
Trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực hỗ trợ người dân thì nhiều đối tượng lại lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi. |
Theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, hệ thống xử lý tin giả của Cục đã tiếp nhận nhiều thông tin về tin giả, tin sai sự thật. Hiện, 9 địa phương cũng đã hình thành hệ thống xử lý tin giả. Ngoài ra, cổng thông tin các bộ, ngành, địa phương đã chủ động cung cấp thông tin về công tác phòng, chống bão lũ, cũng như bác bỏ các tin giả, tin đồn, tin sai sự thật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ 36 thông tin giả, thông tin sai sự thật; nền tảng TikTok gỡ bỏ 51 thông tin sai. Hệ thống xử lý tin giả cũng đã tiếp nhận 45 tin báo và đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý; đưa thông tin bác bỏ các thông tin giả, thông tin bịa đặt, sai sự thật”.
Mỗi dịp thiên tai, dịch bệnh, nhiều đối tượng lợi dụng để phát tán thông tin không chính xác, người dân rất dễ cảm xúc, chia sẻ các thông tin này. Do đó, người dân cần tỉnh táo để tránh tham gia vào việc vi phạm pháp luật.
“Người dân cần hết sức tỉnh táo, xác thực thông tin được chia sẻ thông qua các nguồn chính thống như báo chí, xác minh từ chính quyền địa phương..., nếu không sẽ vô hình trung trở thành người phát tán các thông tin giả, thông tin sai sự thật, tham gia vào việc vi phạm pháp luật”, Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay.
Thời gian qua, nhiều người đã bị cơ quan chức năng triệu tập và xử phạt vì hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang trên mạng xã hội. Để phòng chống tin giả, hỗ trợ cho công tác cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả, thì bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự phối hợp của người dân trong việc tỉnh táo chọn lọc thông tin, ko chia sẻ thông tin từ nguồn ko chính thống là rất quan trọng.