Theo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Xuất bản được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, các quy định của Luật Xuất bản đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân, khẳng định được vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, là công cụ sắc bén của Đảng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực của Luật, cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cũng như phát sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn. Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật của các đối tượng quản lý.

Với những hạn chế, bất cập nêu trên và trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực xuất bản và cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp với thực tiễn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (TTXVN)

Theo đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về xuất bản, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: "Xây dựng ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa" và Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh. 

Để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất 4 chính sách gồm: Chính sách 1: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản.

Chính sách 2: Nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành, thực hiện chủ trương xây dựng ngành xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.

Chính sách 3: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành với mục tiêu khắc phục hạn chế quy định hiện hành, bổ sung hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài.

Chính sách 4: Hoàn thiện thể chế số trong hoạt động xuất bản. Mục tiêu của chính sách nhằm khắc phục hạn chế về yêu cầu quản lý nhà nước đối với cơ sở cung cấp dịch vụ trung gian phát hành (nền tảng số) và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ này nhằm thúc đẩy phát triển các nền tảng số trung gian, đồng thời lành mạnh hóa thị trường xuất bản phẩm điện tử.

Về phạm vi điều chỉnh, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật này quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động xuất bản.  

Hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động xuất bản tại Việt Nam.

P.V