Tiến hành 157 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra
Theo Bộ Công an cho biết, ngày 14/11/2022, Quốc hội Khóa XV thông qua Luật Thanh tra, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 thay thế Luật Thanh tra năm 2010, với nhiều quy định mới góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra được quy định tại Chương V từ Điều 102 đến Điều 106.
Tại Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (Nghị định số 43/2023/NĐ-CP) cũng có một Chương VI (từ Điều 48 đến Điều 59) quy định việc công khai kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cuộc thanh tra, tại Chương VIII Nghị định số 43/2023/NĐ-CP đã quy định cụ thể việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra đối với người thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người thuộc cơ quan tổ chức có liên quan và người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra; đây là các nội dung mới liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Công an xây dựng Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng CAND cho phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng CAND và thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, theo cơ quan chủ trì xây dựng, qua tổng kết và khảo sát thực tiễn việc triển khai thực hiện Thông tư số 29/2019/TT-BCA ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc thực hiện kết luận thanh tra trong CAND đến thời điểm hiện nay cho thấy: Qua 6 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng.
Thanh tra Bộ và Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương đã mở hồ sơ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đối với 850 kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, tiến hành 157 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ban hành đều được thực hiện nghiêm túc, triệt để; trên cơ sở đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra của lực lượng CAND, góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Căn cứ ban hành Thông tư số 29/2019/TT-BCA là Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra đã hết hiệu lực thi hành. Theo quy định tại Thông tư số 29/2019/TT-BCA, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra mới chỉ thực hiện trong CAND. Đối với các kết luận thanh tra chuyên ngành, Bộ Công an chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của các bộ, ban, ngành, UBND cấp tỉnh… và cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài lực lượng CAND.
|
|
Thanh tra Bộ Công an kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra về một số mặt công tác tại Trại giam Kênh 7. (Ảnh minh hoạ) |
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng CAND (thay thế Thông tư số 29/2019/TT-BCA) là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện kết luận thanh tra và công tác xử lý sau thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra CAND.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Về bố cục, dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra của lực lượng CAND bao gồm 5 chương, 26 điều.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo quy định các hành vi gồm:
Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, phân công cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung trong kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.
Không thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền để cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ, kịp thời kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của Thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đã được xác định rõ tại kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.
Báo cáo không trung thực kết quả thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra; chống đối, cản trở hoặc thực hiện các hành vi nhằm đối phó với hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.
Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của Thông tư này.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra để làm trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.
Không chỉ đạo, quyết định xử lý hoặc không kiến nghị xử lý sau khi phát hiện hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra đến mức cần phải xử lý.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng nêu rõ các nguyên tắc thực hiện kết luận thanh tra. Cụ thể là: Kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra phải được đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm minh.
Các tập thể, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm được xác định cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh; văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra phải được thực hiện kịp thời theo quy định của pháp luật.
Kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra phải được cơ quan thanh tra trong CAND theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Đối với kiến nghị của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung trong kết luận thanh tra chưa được thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong CAND, thủ trưởng cơ quan thanh tra trong CAND giải quyết thì chưa bắt buộc phải thực hiện.