Bão số 5 gây mưa lớn tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 11/9, bão số 5 (bão Côn Sơn) cách bờ biển Quảng Trị đến Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông với sức gió mạnh nhất cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão. Trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-7km/h, hướng về phía đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi, đây cũng là vùng trọng tâm tác động của bão số 5. 

leftcenterrightdel
 Sáng nay Đà Nẵng đã bắt đầu có mưa lớn. Ảnh: H.L

Ngày hôm nay (11/9), khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi gió mạnh dần lên; gió mạnh nhất trên đất liền do ảnh hưởng của bão số 5 là khoảng cấp 7, giật cấp 9; vùng ven biển có thể đạt cấp 8 (bờ biển Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam), giật cấp 10, trọng tâm là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. 

Từ nay đến 13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt; Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.

Từ nay đến 12/9, các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt.  Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế lên báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2. Các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum lên báo động 1 và trên báo động.

Đà Nẵng vừa chống bão, vừa chống dịch

Trước diễn biến của bão số 5, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo việc ứng phó với bão số 5. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Văn Quảng cho biết, thành phố đang triển khai các công việc chưa có tiền lệ vì vừa chống bão vừa chống dịch. Đây là chuyện khó nên không được chủ quan. Đà Nẵng sẽ mở âu thuyền Thọ Quang để đưa tàu thuyền vào tránh bão dù thời điểm này âu thuyền đang đóng để phòng dịch.

leftcenterrightdel
Người dân Đà Nẵng đưa ngư lưới cụ lên bờ để tránh bão. Ảnh: X.N 

Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu 6 tiếng trước và sau khi bão đổ bộ, các chốt kiểm soát dịch không cử lực lượng trực chốt mà di chuyển vào các vị trí an toàn. Công an TP cùng các địa phương liên hệ Sở GTVT để mượn xe buýt hoặc container đặt ở các chốt. TP Đà Nẵng cũng tạo điều kiện cho các ngư dân xuống biển thu dọn ngư lưới cụ, giằng néo thuyền thúng. Lực lượng dân phòng, công an, biên phòng đã hỗ trợ người dân làm việc này.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương cần tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân phòng chống lụt bão như giấy đi đường, mở các cửa hàng điện nước… Trong ngày 10/9, TP Đà Nẵng cũng đã lên phương án để di dời gần 100 người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ở trong rừng thuộc địa bàn xã ra khỏi khu vực này trước khi bão số 5 đổ bộ vào. Những người này từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An...đến Đà Nẵng làm thuê cho các chủ rừng trồng tràm thuộc địa bàn xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang. Những người này sẽ được đưa đến nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền.

Huế sơ tán dân, Quảng Nam dừng các cuộc họp

Tại Thừa Thiên Huế, địa phương cũng triển khai các phương án để vừa chống bão, vừa đảm bảo an toàn cho những người điều trị hoặc cách ly do COVID-19. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, các F0 đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung đảm bảo an toàn. Còn những người theo dõi y tế tại nhà, các địa phương giãn cách thì thực hiện “bốn tại chỗ”, nếu một số trường hợp buộc phải di dời phải đảm bảo 5K.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng tại Đà Nẵng giúp dân đưa ngư lưới cụ lên bờ. Ảnh: X.N

Chiều 10/9, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh; đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng chống bão lũ.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức bắn pháo hiệu thông báo bão số 5 tại 3 địa điểm Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, Đồn biên phòng CKC Kỳ Hà. Đồng thời theo dõi diễn biến bão, duy trì liên lạc với các chủ phương tiện tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh. Hiện tỉnh Quảng Nam có 683 tàu/4.854 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó 507 tàu hoạt động gần bờ, 117 tàu ở khu vực Hoàng Sa, 59 tàu ở Trường Sa.

Hà Tĩnh, Quảng Trị “chạy đua” gặt lúa tránh bão

Trước diễn biến của bão, đồng thời lúa đã vào vụ thi hoạch chính quyền các địa phương ở Hà Tĩnh đã thúc giục người dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa còn lại nhằm tránh thiệt hại. Được biết, Hà Tĩnh vẫn còn khoảng gần 20% diện tích lúa vụ hè thu chưa thu hoạch do gieo cấy muộn hoặc nằm ở vùng thấp trũng.

leftcenterrightdel
Lực lượng công an giúp nông dân bà con Hà Tĩnh gặt lúa chạy bão số 5. Ảnh: Báo Hà Tĩnh 

Để khẩn trương giúp nhân dân thu hoạch lúa, tránh thiệt hại bão, ngoài người dân, trong ngày 10/9 có hàng chục cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã xuống đồng giúp bà con ở thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc gặt lúa. Bên cạnh đó, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đức Thọ cũng đã xuống đồng giúp bà con nông dân vùng ngoài đê thuộc thôn Quyết Tiến (xã Bùi La Nhân) thu hoạch lúa. Các cơ sở Đoàn ở Hà Tĩnh cũng huy động đoàn viên thanh niên xuống đồng giúp đỡ nhân dân thu hoạch lúa.

Tương tự Hà Tĩnh, tại Quảng Trị, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã đề nghị các địa phương khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa để hạn chế thấp nhất thiệt hại trước ảnh hưởng của cơn bão số 5. Hiện tại, tỉnh Quảng Trị vẫn còn khoảng 5.000 ha lúa chưa chín, chiếm khoảng 20% diện tích lúa gieo trồng. Theo ghi nhận, trong ngày 10/9, nhiều nông dân tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã thuê máy gặt, khẩn trương thu hoạch lúa, vận chuyển về nhà.

Trong khi đó, tại vùng biển của tỉnh Quảng Trị công tác phòng chống chống bão số 5 đang được khẩn trương triển khai. Đến chiều 10/9, tỉnh Quảng Trị có gần 2.300/7.000 ngư dân đã vào bờ tránh bão số 5 an toàn; vẫn còn khoảng 40 tàu cá/400 thuyền viên đang tham gia đánh bắt xa bờ.

Xuân Nha