Cụ thể, tại Hà Nội, chiều 13/10, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới. Theo đó, từ 6h ngày 14/10, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường. Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.

Hà Nội là cấp 1 nên người dân từ Thủ đô đi các địa phương khác không phải cách ly. Những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin từ vùng xanh khác, kể cả TP Hồ Chí Minh về Hà Nội không phải cách ly tập trung, trừ người đến từ vùng dịch.

Cùng với Hà Nội, tại Hải Phòng, Quảng Ninh không yêu cầu người vào tỉnh phải xét nghiệm COVID-19. Theo đó, từ 0h ngày 13/10, người vào thành phố Hải Phòng không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Thành phố Hải Phòng cũng điều chỉnh cách ly y tế đối với người từ các địa phương khác về thành phố theo 3 nhóm. Nhóm 1 là người ở các tỉnh, thành phố, khu vực có nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế). Trong nhóm 1, những trường hợp người già yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ cần có người chăm sóc, áp dụng cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày về hoặc đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7 và thứ 14.

Nhóm 2 là những người trở về từ các địa phương ở các vùng nguy cơ cao; Nhóm 3 là những người trở về từ các địa phương ở các vùng nguy cơ. Các nhóm này sẽ thực hiện cách ly y tế tại nhà hoặc giám sát y tế, đồng thời phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Còn tại Quảng Ninh, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản thực hiện quyết định mới nhất của Bộ Y tế từ 11h ngày 14/10/2021. Theo đó không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng TP Hà Nội kiểm soát giấy tờ của người đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, tỉnh Hải Dương vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về các quy định phòng chống dịch mới sau Nghị quyết 128 của Chính phủ. Còn tỉnh Phú Thọ cho biết tiếp tục duy trì hoạt động 10 chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh, từ chốt số 1 đến chốt số 10.

Phía UBND tỉnh Nam Định, ngày 14/10 đã đồng ý tổ chức hoạt động thí điểm các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô đến hết ngày 20/10/2021. Kế hoạch cụ thể trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải và sự phối hợp thống nhất với các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang. 

UBND tỉnh Lai Châu cũng đã có quyết định mở thí điểm hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô. Theo đó, tỉnh này tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải chạy từ ngày 13/10 đến hết 20/10, với các tuyến từ Lai Châu đi các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Thái Nguyên. 

Tại Thừa Thiên Huế vừa thông báo chính thức kích hoạt hệ thống khai báo y tế theo chính sách mới tại địa chỉ: https://qr.thuathienhue.gov.vn hoặc ứng dụng Hue-S. Theo đó, từ 7h ngày 15/10, công dân chỉ khai báo y tế trước khi qua chốt mà không cần đợi phê duyệt như trước đây.

Cụ thể, tất cả các công dân trước khi qua chốt phải khai báo y tế trực tuyến. Trong trường hợp công dân không khai báo được thì lực lượng tại chốt hỗ trợ khai báo; nếu công dân không có điện thoại di động thông minh thì chốt sẽ tạo mã QR cho công dân để công dân sử dụng quét tại các điểm đến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Tại Bình Dương: Sở Y tế đang họp bàn với các ngành liên quan để xác định cấp độ dịch bệnh của các địa phương, từ đó làm cơ sở để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định điều kiện an toàn dịch bệnh khi lưu thông theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính Phủ. 

Trong khi đó, tại Bình Phước, các sở ngành đang họp bàn, vẫn chưa có thông báo chính thức về quy định kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 với người dân khi lưu thông vào tỉnh. Tình hình dịch bệnh ở Bình Phước vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên độ bao phủ vắc xin tại đây vẫn còn thấp, dưới 50% mũi 1.

Tại Tây Ninh, UBND tỉnh đang lên phương án triển khai theo Nghị quyết 128 của Chính Phủ, hiện chưa có quyết định chính thức nên các chốt kiểm soát vẫn thực hiện quy định kiểm tra như cũ.

Tại Đà Nẵng, dự kiến, từ 0h ngày 16/10, Đà Nẵng sẽ mở lại nhiều hoạt động, có những biện pháp phòng chống dịch mới theo Nghị quyết của Chính phủ. Đà Nẵng cũng dự kiến sẽ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 với người vào thành phố từ 0h ngày 16/10.

Tại Gia Lai việc xét nghiệm COVID-19 đối với người từ các địa phương khác đến vẫn được địa phương này thực hiện theo công văn số 8718 của Bộ Y tế ban hành ngày 15/10/2021 về việc giám sát người về từ các khu vực có dịch COVID-19. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế của địa phương tổ chức cách ly phù hợp (cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà), theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch là đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với Quảng Trị, tại các chốt kiểm tra y tế ở địa phương này vẫn bắt buộc người về Quảng Trị phải có giấy test nhanh COVID-19 còn hiệu lực. Ngoài ra, những người trở về từ các vùng có nguy cơ dịch tễ theo cập nhật của Sở Y tế, đều bị áp dụng cách ly y tế; đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin khi đến hoặc trở về từ vùng dịch, phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày kể từ ngày đến hoặc trở về địa phương; đối với người từng bị nhiễm COVID-19 có giấy xác nhận khỏi bệnh hoặc đã ra viện, phải cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày đến hoặc trở về địa phương.

Trong khi đó, tại Lâm Đồng, tỉnh này yêu cầu người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về tỉnh Lâm Đồng và phải đăng ký với chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. Người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 4 khi đi qua chốt kiểm soát phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Đối với Phú Yên, từ ngày 13/10, chốt kiểm dịch COVID-19 đặt ở quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Phú Yên) thực hiện hướng dẫn người dân qua chốt khai báo y tế, ghi lại địa chỉ nơi đi, địa chỉ nơi đến, số điện thoại liên hệ và tổng hợp báo cáo danh sách về địa phương (Trung tâm Y tế) ít nhất 3 lần/ngày để địa phương thực hiện giám sát y tế phòng, chống dịch.

Tại Khánh Hòa, từ ngày 15/10, các tuyến xe buýt Nha Trang đi Vạn Giã, Đầm Môn, Đại Lãnh (Vạn Ninh), Ninh Tây, Dốc Lết (Ninh Hòa) sẽ chính thức hoạt động trở lại. Các tuyến này sẽ chỉ hoạt động 50% công suất và mỗi chuyến chỉ chở tối đa 50% số ghế... Riêng đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi các tỉnh thành trong cả nước liên quan đến việc nối lại hoạt động vận tải liên tỉnh.

Trước đó, tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Chính phủ yêu cầu: “Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người,... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn”.
P.V