Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Báo chí được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Tuy nhiên sau hơn 6 năm thi hành một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.
Cụ thể về một số nội dung như: Chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương, thực hiện phân cấp một số thủ tục hành chính cho địa phương; chính sách của nhà nước phát triển báo chí, nhiệm vụ quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam; hoạt động báo chí trên môi trường số, phát triển mô hình phù hợp thực tiễn để thúc đẩy báo chí phát triển; phạm vi hoạt động, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí; đối tượng thành lập và hoạt động tạp chí khoa học.
Cùng với đó là một số tồn tại, hạn chế khác như: Điều kiện cấp phép hoạt động báo chí, nhất là đối với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí khi không đủ điều kiện hoạt động; điều kiện cấp thẻ lần đầu, trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ nhà báo; lãnh đạo cơ quan báo chí và điều kiện, tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí; hoạt động tác nghiệp của những người hoạt động báo chí nhưng chưa được cấp Thẻ nhà báo; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; xuất, nhập khẩu báo chí; liên kết trong hoạt động báo chí; lưu chiểu sản phẩm có tính chất báo chí; tên miền của báo điện tử, tạp chí điện tử; giải thích các khái niệm và những nội dung khác.
|
|
Phóng viên báo chí tác nghiệp. (Ảnh minh hoạ) |
Với những hạn chế, bất cập nêu trên và trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp.
Về nội dung, dự kiến đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Báo chí nêu rõ về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, Luật này sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Báo chí năm 2016 về tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí tại nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Về nội dung, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 18a về thu hồi giấy phép hoạt động báo chí. Theo đó, các trường hợp cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép khi không đảm bảo các điều kiện:
Về nhân sự người đứng đầu cơ quan báo chí: Trong thời hạn 6 tháng cơ quan chủ quản không lựa chọn được người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và thực hiện được quy trình để bổ nhiệm giữ chức vụ người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ người đứng đầu cơ quan báo chí để đề nghị Bộ có ý kiến bổ nhiệm theo quy định.
Không đảm bảo điều kiện về tài chính để duy trì hoạt động của cơ quan báo chí như nợ ngân sách nhà nước: Thuế, tiền phạt, nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế; nợ các khoản liên quan đến người lao động: Đóng bảo hiểm xã hội quá thời hạn 12 tháng và thanh toán tiền lương chậm quá 12 tháng.
Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép theo khoản 4, khoản 5 Điều 18 và khoản 1 Điều này phải chấm dứt hoạt động báo chí. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản, lao động, bảo hiểm, nghĩa vụ thuế và các vấn đề khác để chấm dứt hoạt động cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 28. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 2: Kỳ hạn cấp Thẻ nhà báo là 5 năm. Thời hạn sử dụng Thẻ nhà báo được ghi trên thẻ. Trong trường hợp đặc biệt, việc gia hạn thời hạn sử dụng thẻ nhà báo do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định. Hết kỳ hạn của Thẻ nhà báo, Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp đổi Thẻ nhà báo theo kỳ hạn mới, người được cấp Thẻ nộp lại Thẻ nhà báo cũ cho cơ quan báo chí, cơ quan báo chí nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định về các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người đứng đầu cơ quan công tác của người được cấp Thẻ nhà báo chịu trách nhiệm thông báo bằng văn bản về các trường hợp quy định tại điểm a khoản này, thu lại Thẻ nhà báo và nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trường hợp người được cấp Thẻ nhà báo không nộp lại Thẻ, cơ quan báo chí có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản để Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi Thẻ nhà báo.
Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5: Người thuộc đối tượng phải nộp lại Thẻ nhà báo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nộp lại Thẻ nhà báo nếu được một cơ quan báo chí tiếp nhận vào làm việc theo chế độ hợp đồng từ 1 năm trở lên thì được xét đổi Thẻ nhà báo theo quy định tại khoản 3 Điều này.