Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí để đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, định hướng của Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia được nêu rõ trong các Nghị quyết và văn kiện Đại hội Đảng. 

Cùng với đó, công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là báo chí. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ nhất và sâu rộng nhất là tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí. Đồng thời, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 348/QĐ-TTg...

Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành Luật Báo chí cho thấy, Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Triển khai hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chú trọng, chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đến nay, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí đã được ban hành đầy đủ với 2 Nghị định và 4 Thông tư.

Tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.

Tuy nhiên sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại đã dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp; một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí. 

Mặt khác, trong những năm vừa qua, một số luật liên quan đã được ban hành và sửa đổi có các nội dung liên quan đến lĩnh vực báo chí như: Luật Đầu tư năm 2020, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật quảng cáo sửa đổi, bổ sung năm 2018; Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022; Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020… do đó cần được rà soát, xem xét, điều chỉnh để đồng bộ, thống nhất là hết sức cần thiết.

Liên quan đến vấn đề thực thi các cam kết quốc tế có liên quan: Các cam kết quốc tế WTO, CPTPP, EVFTA và các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên đều có cam kết không mở cửa việc tổ chức nước ngoài được thành lập cơ quan báo chí tại Việt Nam. Đồng thời, cho phép hoạt động nhập khẩu báo chí in nước ngoài, không mở cửa thị trường cho cá nhân, tổ chức được nhập khẩu trực tiếp báo, tạp chí in vào thị trường Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Độc giả là cán bộ Công an rất ấn tượng với gian trưng bày của Báo Bảo vệ pháp luật tại Hội báo toàn quốc năm 2022. (Ảnh minh hoạ: Hà An)

Do đó, nhằm thể chế hóa các nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng, Luật Báo chí được ban hành từ năm 2016 đến nay cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Việc xây dựng dự án Luật cần bám sát các quan điểm đó là: Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, là diễn đàn của nhân dân. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung chính sách phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.

Đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bảo đảm tính khả thi của các quy định, tạo điều kiện để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý báo chí.

7 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật

Cũng theo cơ quan chủ trì xây dựng, đề nghị xây dựng Luật đã nêu rõ 7 chính sách. Cụ thể gồm, chính sách 1: Phát triển mô hình tập đoàn báo chí. Mục tiêu của chính sách là  hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực, để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin.

Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về phạm vi thông tin của cơ quan báo chí góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động báo chí và đảm bảo thực hiện theo tôn chỉ, mục đích.

Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định để tạp chí khoa học phát triển lành mạnh, đúng tính chất. Mục tiêu của chính sách là tạo ra một môi trường tốt cho tạp chí khoa học lành mạnh, nghiêm túc phát triển; Tạp chí khoa học không bị biến tướng thành báo và tạp chí thông thường. Đồng thời, khắc phục tình trạng “tư nhân hóa” báo chí như chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chính sách 4: Quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí. 

Mục tiêu của chính sách nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động báo chí, thông qua việc cơ quan quản lý có công cụ để xử lý trường hợp cơ quan báo chí không đủ điều kiện hoạt động và có hành vi sai trái; ngăn ngừa khả năng báo chí bị rơi vào tình trạng “tư nhân hóa”. Bảo vệ xã hội khỏi những ảnh hưởng gây ra bởi những cơ quan báo chí không đủ điều kiện hoạt động và những phóng viên, nhà báo thuộc những cơ quan báo chí này.

Chính sách 5: Bổ sung điều kiện cấp thẻ nhà báo nhằm nâng cao chất lượng người làm báo. Mục tiêu của chính sách nhằm thúc đẩy môi trường báo chí minh bạch, chuyên nghiệp, nhân văn và nâng cao uy tín của ngành báo chí.

Chính sách 6: Hoàn thiện quy định đối với hoạt động nhập khẩu báo in.

Chính sách 7: Xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình. Mục tiêu của chính sách là thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm báo nói, báo hình, góp phần tích cực vào việc quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài và gìn giữ sợi dây kết nối cộng đồng người Việt ở nước ngoài và tổ quốc một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, đề nghị xây dựng Luật còn đề cập đến việc hoàn thiện một số quy định để khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực thi như: Khái niệm báo, tạp chí; Bổ sung các quy định điều chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số; Hoàn thiện phân cấp quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương; Quy định về tác nghiệp báo chí của những người hoạt động báo chí mà chưa được cấp thẻ nhà báo; Quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú…

P.V