Bộ Công an đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật về công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và công tác quản lý cửa khẩu đường hàng không nói riêng, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các lực lượng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất nhập cảnh qua đường hàng không chiếm tỉ lệ ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị định còn nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động của cửa khẩu đường hàng không, hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường hàng không thuận lợi về mặt thủ tục nhưng cũng chặt chẽ về quy định.
Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật tại cửa khẩu đường hàng không.
Dự thảo Nghị định có 4 chương, 17 điều, gồm: Quy định chung; phạm vi các khu vực tại cửa khẩu đường hàng không, dòng lưu chuyển hành khách; bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.
Về các loại cửa khẩu đường hàng không, theo dự thảo Nghị định bao gồm: Cửa khẩu đường hàng không quốc tế là cửa khẩu được thiết lập tại cảng hàng không quốc tế.
Cửa khẩu đường hàng không quốc gia là cửa khẩu được thiết lập tại cảng hàng không nội địa có khai thác chuyến bay quốc tế.
|
|
Diễn tập khẩn nguy đối phó với tình huống gây rối trật tự công cộng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh minh hoạ) |
Cửa khẩu đường hàng không tạm thời là cửa khẩu được đặt tại nơi không phải cảng hàng không, được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xử lý vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại khu vực cửa khẩu đường hàng không, dự thảo Nghị định quy định: Công an cửa khẩu chủ trì, tiếp nhận xử lý ban đầu các hành vi vi phạm pháp luật, vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong khu vực cửa khẩu đường hàng không sau đó cung cấp thông tin phối hợp, bàn giao cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Trừ trường hợp tình huống khẩn nguy về hàng không dân dụng, khi có yêu cầu từ chỉ huy tàu bay nước ngoài về phối hợp xử lý vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, Công an cửa khẩu là đơn vị chủ trì phối hợp, xử lý ban đầu.
Cơ quan Hải quan thuộc Bộ Tài chính tiếp nhận, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới xảy ra tại cửa khẩu đường hàng không theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các cá nhân, tổ chức khác có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc an ninh trật tự cửa khẩu đường hàng không cho cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an.
Về kiểm soát đặc biệt tại cửa khẩu đường hàng không, dự thảo Nghị định quy định, khi xảy ra nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt tại cửa khẩu đường hàng không theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 21 Luật An ninh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng các biện pháp cụ thể như: Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xét duyệt cấp phép bay đến cửa khẩu đường hàng không.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường lên cấp độ cao nhất, có thể điều chỉnh trình tự, thủ tục, luồng di chuyển hành khách phù hợp yêu cầu bảo đảm an ninh hàng không.
Bộ Công an bố trí lực lượng tuần tra, thiết lập chốt kiểm tra an ninh taị các vị trí cần thiết, giám sát toàn bộ khu vực cửa khẩu đường hàng không.
Thời hạn áp dụng kiểm soát đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.