Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1/7/2024, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.

Thay cho mức lương cơ sở, Chính phủ đưa ra mức tham chiếu và vấn đề này đang được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đặc biệt quan tâm.

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này.

Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, Quỹ BHXH.

leftcenterrightdel
 Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Do đây là nội dung mới được đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu trong dự thảo Luật, theo hướng bảo đảm tuân thủ quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQ/TW;

Đồng thời, giao Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc xây dựng và tổ chức thực hiện mức tham chiếu này đối với các chính sách BHXH, BHYT,BHTN.

Quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW để hài hòa với khu vực Nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp hơn mức sống tối thiểu.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Đoàn tỉnh Kon Tum) đề nghị cần có sự đánh giá một cách toàn diện và kỹ càng hơn, vì sau cải cách tiền lương thực tế thì tiền lương đóng BHXH từ ngày 1/7/2024 trở đi đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đều tăng. Do vậy cần nghiên cứu tính toán, điều chỉnh lại mức tham chiếu tính BHXH cho phù hợp hơn.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, dự thảo Luật quy định mức tham chiếu để thay cho mức lương cơ sở đang là một căn cứ để tính bảo hiểm hiện nay.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị định kỳ thời gian điều chỉnh mức tham chiếu. Ảnh: Quốc hội

Mức tham chiếu do Chính phủ quy định để tính mức đóng, mức hưởng chế độ bảo hiểm và mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, của Quỹ bảo hiểm xã hội.

“Quy định như vậy theo tôi rất kịp thời và đồng bộ với việc chúng ta dự kiến cải cách tiền lương vào tháng 7 tới đây và một số yêu cầu về mức tham chiếu được đưa ra trên chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng kinh tế cũng rất phù hợp.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người hưởng các chế độ bảo hiểm, theo tôi nên xem xét quy định ở trong Luật định kỳ thời gian để điều chỉnh mức tham chiếu”, đại biểu nói.

Cụ thể, quy định chu kỳ hằng năm hoặc chu kỳ 2 năm một lần. Việc quy định kỳ điều chỉnh mức tham chiếu sẽ nâng cao tính trách nhiệm của các cơ quan và đảm bảo xem xét quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người được thụ hưởng thường xuyên, kịp thời.

“Khi đến hạn định kỳ điều chỉnh thì chúng ta có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp, có thể là cao hơn, có thể thấp hơn nhưng cũng có thể là vẫn bằng với mức đang đóng”, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải thích, bản chất mức tham chiếu là một khái niệm mới thay thế cho mức lương cơ sở. Mức tham chiếu thực chất tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế CPI và trên thực tiễn thu, chi, thay cho mức lương cơ sở.

Theo Bộ trưởng, nếu thời gian tới Nghị quyết 27 còn, chưa bãi bỏ ngay, mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng thì tiếp tục sử dụng, nếu sau Nghị quyết 27 nâng lên một bước nữa, mấy chục phần trăm chẳng hạn thì đó cũng vẫn là mức lương cơ sở và đó là tham chiếu...

Bảo Hân