Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.

Xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã đạt kết quả tích cực. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý. Các biện pháp, chính sách tại Nghị quyết số 42 đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức, các cơ quan hữu quan với tổ chức tín dụng trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần thúc đẩy việc xử lý nợ xấu được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Theo báo cáo, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022 Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ. 

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong thời gian xây dựng Luật xử lý nợ xấu, việc không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ dẫn đến không còn hành lang pháp lý cho cơ chế xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC.

Do vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, để tiếp tục thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thì việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là thực sự cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất, kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 15/8/2025. Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Ngoài ra, để công tác xử lý nợ xấu được triển khai có hiệu quả trên thực tế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nói riêng, trong báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, Chính phủ đề xuất Quốc hội chỉ đạo TAND tối cao chỉ đạo TAND các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định của Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP.

Đồng thời, phối hợp với VKSND tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42; phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các TCTD được tra cứu trích xuất.

Theo báo cáo, tính từ cuối năm 2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 750,1 nghìn tỉ đồng nợ xấu nội bảng, trong đó: Nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 619,9 nghìn tỉ đồng (chiếm 82,63%); nợ xấu bán cho VAMC là 112,2 nghìn tỉ đồng (chiếm 14,96%); nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 18 nghìn tỉ đồng (chiếm 2,41%). Theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỉ đồng, giảm 6,32% so với cuối năm 2020 và giảm 17,21% so với ngày 14/8/2017.

P.V