Hành hạ người khác được hiểu là hành vi đối xử tàn ác đối vối người lệ thuộc mình (lệ thuộc về quan hệ xã hội, quan hệ công tác hoặc về tôn giáo).

Tội hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ Luật hình sự 2015 như sau:

“1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.”

Các yếu tố cấu thành tội hành hạ người khác:

Khách thể

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến sức khoẻ của người khác (gồm sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần).

Mặt khách quan

 Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

+ Về hành vi: Có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình (lệ thuộc vào người có hành vi phạm tội), cụ thể là:

Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ.

Tuy nhiên việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ. Việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại và kéo dài trong một thời gian nhất định.

Đây là tội có yếu tố định tính chứ không có yếu tố định lượng. Mức độ đốì xử tàn ác để được coi là phạm tội phụ thuộc vào sự đánh giá mang tính chủ quan của người áp dụng pháp luật trên cơ sở hậu quả những hành vi tàn ác của người phạm tội lặp đi lặp lại dài ngày, vào việc xâm phạm đến tập quán, phong tục, và sự lên án của dư luận thông qua các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Dấu hiệu khác: Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội về quan hệ xã hội, công tác hoặc về tôn giáo.

Người bị hại phải không có mối quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ gia đình như vợ, chồng, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng đối với người phạm tội. Trường hợp người bị hại có mối quan hệ hôn nhân hoặc gia đình đối vối người phạm tội thì cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự).

Chủ thể

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và phải có mối quan hệ lệ thuộc với nạn nhân (xem giải thích ở mặt khách quan của tội này).

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Về hình phạt

 Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:

+ Khung một (khoản 1)

Có mức hình phạt là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.

+ Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ một năm đên ba năm. Được áp dụng đôi với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

–  Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

–  Đối với nhiều người (từ hai người bị hại trở lên).

 

Luật sư: Đặng Anh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội)