Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ như sau:

Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID -19 chưa được ngăn chặn triệt để nhưng các đối tượng xấu vẫn có hoạt động dụ dỗ, rủ rê người lao động xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp. 

Nhiều người dân đã nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời các đối tượng môi giới, nộp tiền và được chúng đưa ra nước ngoài nhưng khi đến các nước thì không có việc làm hoặc bị nước sở tại bắt giữ. Người dân vừa bị mất tiền cho các đối tượng môi giới vừa phải chịu cuộc sống chui lủi để trốn tránh cơ quan chức năng, nếu bị bắt thì bị tạm giam từ 1 - 3 tháng...

leftcenterrightdel
 Luật sư Đặng Văn Cường.

Đối với những người tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là hành vi phạm tội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 349 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Theo Điều 349, tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép": Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm như:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; đối với từ 5 người đến 10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

Đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; Làm chết người. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp nếu các đối tượng dùng thủ đoạn gian dối để đưa ra những thông tin không đúng sự thật về việc đưa người lao động ở nước ngoài để lừa người khác, chiếm đoạt tài sản của họ và bỏ trốn, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trao trả tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp thì đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo quy định tại Điều 8 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và Nghị định 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 của Chính phủ thì hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định không thấp hơn 5 tỉ đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Như vậy, chỉ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đã được Bộ LĐ-TB-XH chấp thuận thì mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, và các doanh nghiệp này phải trực tiếp tuyển chọn lao động, không được ủy quyền hoặc hợp tác với các doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tuyển chọn lao động.

Khi doanh nghiệp không được Bộ LĐ-TB-XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng công ty vẫn thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc ở ngước ngoài, tư vấn, thu tiền của người lao động để làm hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài là trái với quy định của pháp luật.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động (Khoản 6 Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006).

Người nào có hành vi vi phạm quy định về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Những ngày cận Tết,  Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam. 

Theo điểm a khoản 3 Điều 46 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tư vấn, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động có thể bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 6 Nghị định này thì hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không phải là trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập hợp pháp hoặc không có Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn, có thể bị phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Trong trường hợp nếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tự giới thiệu và thông báo doanh nghiệp này có chức năng tuyển dụng đưa người đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài mà doanh nghiệp này chưa được cấp phép hoạt động theo quy định trên lĩnh vực này; khi tư vấn cho những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài đã tự đưa ra các thông tin gian dối, không có thật về giấy phép, điều kiện hoạt động; tự cam kết về mức lương, thời gian xuất cảnh, nội dung công việc và hứa hẹn về khả năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động nộp hồ sơ và tiền cho mình, sau đó không đưa được người lao động đi làm việc như thỏa thuận, cũng không trả lại tiền mà chiếm đoạt số tiền đó và trốn tránh thì có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), trong đó hình phạt cao nhất có thể là phạt tù 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Những người đưa lao động ra nước ngoài trái phép mà có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thỏa mãn dấu hiệu của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với mức hình phạt quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015; trong đó hình phạt cao nhất có thể lên đến 12 năm tù trong trường hợp phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 

Lưu Ly