Về vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Oanh – Luật sư Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Phạm Ngọc Oanh – Luật sư Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. |
Hiện nay, để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh COVID - 19 nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp cách ly tập trung, phong tỏa hoặc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ. Việc áp dụng các biện pháp trên đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động. Vì vậy, trong trường hợp ngừng việc do phải cách ly tập trung, phong tỏa hoặc giãn cách xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc trả lương cho người lao động được thực hiện như sau:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì:
“1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:
a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;”
Trước sự lây lan nhanh và khó kiểm soát của dịch bệnh COVID - 19, ngày 29/01/2020, Bộ y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc Bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (hay còn gọi là “COVID - 19”) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Như vậy, dịch bệnh COVID - 19 được xem là một trong những loại dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Nên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ Luật lao động 2019 việc trả lương cho người lao động khi ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm được thực hiện như sau:
“Điều 99. Tiền lương ngừng việc
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
………
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.”
Theo như quy định trên, đối với trường hợp vì dịch bệnh nguy hiểm mà người lao động phải ngừng việc để đi cách ly tập trung, giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc sẽ do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 được thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau:
“Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng
1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
2. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”