Tôi mua lại ôtô của chị gái nhưng chưa kịp làm thủ tục sang tên. Nếu cảnh sát kiểm tra, tôi có thể nói mượn của người thân được không?

 


Nếu bắt buộc phải sang tên đổi chủ, thủ tục như thế nào?

Luật sư trả lời

Các thủ tục liên quan việc đăng ký sang tên xe được điều chỉnh bởi Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an.

Theo Điều 11 quy định về đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “1. Tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải xuất trình giấy tờ quy định tại Điều 9 Thông tư này và nộp hồ sơ gồm:

a) Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Giấy chứng nhận đăng ký xe.

c) Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

d) Chứng từ lệ phí trước bạ

2. Đăng ký sang tên thì giữ nguyên biển số cũ (trừ biển loại 3 số, 4 số hoặc khác hệ biển thì nộp lại biển số để đổi sang biển 5 số theo quy định) và cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe mới”.

Điều 12 quy định việc sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục, không phải đưa xe đến kiểm tra nhưng phải xuất trình giấy tờ quy định tại Điều 9 Thông tư này và nộp hồ sơ gồm:

a) Hai giấy khai sang tên, di chuyển xe (mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.

c) Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

Trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc Sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển quyền sở hữu xe”.

Các giấy tờ mà người thực hiện thủ tục sang tên xe được quy định ở Điều 9 Thông tư này bao gồm:

“1. Chủ xe là người Việt Nam, xuất trình một trong những giấy tờ sau:

a) Chứng minh nhân dân. Trường hợp chưa được cấp Chứng minh nhân dân hoặc nơi đăng ký thường trú ghi trong Chứng minh nhân dân không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình Sổ hộ khẩu.

b) Giấy giới thiệu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác, kèm theo Giấy chứng minh Công an nhân dân; Giấy chứng minh Quân đội nhân dân (theo quy định của Bộ Quốc phòng).

Trường hợp không có Giấy chứng minh Công an nhân dân, Giấy chứng minh Quân đội nhân dân thì phải có giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác.

c) Thẻ học viên, sinh viên học theo hệ tập trung từ 2 năm trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện; giấy giới thiệu của nhà trường.

2. Chủ xe là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về sinh sống, làm việc tại Việt Nam, xuất trình Sổ tạm trú hoặc Sổ hộ khẩu và Hộ chiếu (còn giá trị sử dụng) hoặc giấy tờ khác có giá trị thay Hộ chiếu...

5. Người được ủy quyền đến đăng ký xe phải xuất trình Chứng minh nhân dân của mình; nộp giấy ủy quyền có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác”.

Tuy nhiên, cần lưu ý khi xe lưu thông, chủ xe cơ giới phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển và có tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.

Khi lưu thông trên đường, nếu bạn đi xe do người thân là chủ sở hữu có thể nói là mượn. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài và để tránh tranh chấp không đáng có, bạn vẫn nên làm thủ tục sang tên đổi chủ để đăng ký xe mang tên mình.
 

Theo vnexpress

.