Qua công tác nắm tình trên địa bàn, trinh sát của Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã phát hiện nhóm đối tượng thường đi 2 người, có đeo ba lô vào thuê nhà nghỉ, khách sạn. Mục đích của các đối tượng khi vào trong nhằm cài đặt camera giấu kín trong các phòng nghỉ để quay các khách vào phòng quan hệ tình dục.

Khi khách đi ra, các đối tượng bố trí người để đi theo về tận nhà, nơi làm việc rồi lân la, dò hỏi thông tin thông qua hàng xóm, bảo vệ, người làm cùng để lấy số điện thoại, biển số xe. Từ đó lấy thông tin tên tuổi, nghề nghiệp của các khách trên.

Từ đây, các đối tượng gửi những hình ảnh, video quan hệ tình dục của những bị hại và yêu cầu họ phải đổi lấy sự bình yên với cái “giá” là 30 triệu đồng cho mỗi một trường hợp.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Ngày 17/3, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 3 đối tượng chuyên sử dụng camera gắn vào phòng ngủ của các khách sạn trên địa bàn TP để thu dữ liệu, hình ảnh các cặp đôi vào đây “ăn nghỉ” nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Danh tính các đối tượng trên gồm: Trịnh Công Linh (SN 1986, quê ở Thanh Hóa), Đoàn Duy Hướng (SN 1993,  quê ở Yên Bái) và Nguyễn Chí Công (SN 1977, quê ở Thanh Hóa).

Về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nôi) cho rằng, đây là thủ đoạn cưỡng đoạt tài sản mới, tinh vi, phức tạp và có thể gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Hành vi của các đối tượng này không chỉ cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân mà còn có thể gây nhiều hệ lụy xã hội khác.

Có thể nói rằng, hành vi của các đối tượng này rất tinh vi, công phu khi lắp đặt được các camera giấu kín trong nhiều khách sạn, nhà nghỉ theo giõi để có được thông tin của nạn nhân rồi tìm cách tiếp cận và đe dọa không chế, nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Nếu không triệt phá sớm các đối tượng này, hậu quả sẽ rất nguy hại. Những hình ảnh, clip lấy được rất dễ có thể bị lộ lên các trang Web đen, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, sức khỏe, hạnh phúc gia đình của các nạn nhân. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do cá nhân và quyền tài sản của công dân gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội bởi vậy nếu chỉ sử dụng các hình ảnh, thông tin nêu trên để đe dọa, uy hiếp nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản.

Còn trường hợp các đối tượng có được các hình ảnh quan hệ tình dục trong nhà nghỉ, khách sạn của nạn nhân, sau đó đăng tải lên các website hoặc mạng xã hội, tuyên truyền cho người khác xem thì hành vi này có thể bị xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy...

leftcenterrightdel
 Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo luật sư Cường, vụ án này là hồi chuông cảnh tỉnh cho những cặp đôi có quan hệ tình cảm thiếu lành mạnh, không trong sáng và sẽ là câu chuyện cần phải lưu ý về công tác đảm bảo an toàn, bí mật thông tin, hình ảnh, bí mật đời tư cá nhân trong các cơ sở lưu trú.

“Trong thời đại công nghệ thông tin, kết nối toàn cầu như hiện nay thì vấn đề bí mật thông tin cá nhân, bí mật về hình ảnh hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh, an toàn cho cá nhân cũng như an toàn trong cộng đồng xã hội. Bởi vậy các tổ chức, cá nhân cần phải nêu cao trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn đối với quyền nhân thân và quyền hình ảnh của công dân” - luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

 "Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì các đối tượng này đã có được hình ảnh, clip cảnh quan hệ tình dục của 10 nạn nhân, trong đó đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của 4 nạn nhân, mỗi nạn nhân bị cưỡng đoạt  số tiền là 30.000.000 đồng... Có thể xác định đây là hành vi phạm tội có tổ chức, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Nếu số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân chưa quá 200.000.000 đồng, các đối tượng này sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2, Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức.

b) Có tính chất chuyên nghiệp.

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản" - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

 

Lưu Ly