(BVPL) -  Ngày 2/1/2008, gia đình tôi có họp và thống nhất giao nhà đất cho con gái thứ hai là Dương Thị Thúy Hà với điều kiện Hà phải trả cho chị gái và em trai mỗi người một tỷ đồng. Ngoài ra, Hà có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ đến cuối đời và phải dành riêng cho vợ chồng tôi sử dụng hai căn phòng (một phòng để ở và một phòng thờ cúng gia tiên). Nay, vì con tôi làm ăn gặp khó khăn nên cháu không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết và  đã viết giấy thỏa thuận xin hủy hợp đồng tặng cho tài sản, trả lại nguyên trạng nơi ở cho bố mẹ. Vậy, chúng tôi có được hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đã lập ngày 8/1/2008  tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Bình không?

 

Bà Lê Thị Roạn (số 28 Lưu Trọng Lư, phường Hải Đình, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)

 


Trả lời: Theo quy định tại Điều 465 Bộ luật Dân sự 2005:  “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.

Điều 467 Bộ luật  này quy định: “Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu; Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.

Theo thư bà hỏi thì chúng tôi xác định, việc tặng cho bất động sản giữa vợ chồng bà và chị Hà là tặng cho có điều kiện. Theo đó, chị Hà phải có nghĩa vụ phụng dưỡng bố mẹ đến cuối đời và dành riêng cho bố mẹ 02 căn phòng. Ngoài ra, chị Hà còn phải trả cho chị gái và em trai mỗi người 1 tỷ đồng.

Tại Điều 470 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau:

“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, nếu chị Hà không còn có khả năng thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết và đề nghị trả lại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì vợ chồng bà có thể hủy hợp đồng tặng cho đã lập ngày 8/1/2008.

Theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng, việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.

Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch.

Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch.
 

BBT