Chúng tôi thống nhất với nhau khai sinh con theo họ mẹ và để trống phần khai cha ruột. Tuy nhiên, anh có viết một giấy nhận con đưa tôi giữ. Liệu với tờ giấy nhận con ấy, con gái tôi có được hưởng tài sản thừa kế từ anh?
Năm nay tôi 40 tuổi. Tôi không lập gia đình nhưng có một cô con gái 7 tuổi. Cha của con gái tôi chính là mối tình đầu của tôi. Vì nhiều lý do, chúng tôi phải chia tay nhau trong xót xa, đau đớn (cả hai vẫn rất yêu nhau). Từ đó, tôi khép trái tim mình, không yêu một người đàn ông nào khác.
Gần 10 năm sau, tôi và anh tình cờ gặp lại nhau. Khi ấy anh đã có vợ và 2 hai còn tôi vẫn ở một mình. Thương tôi, anh đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống, công việc. Thậm chí anh còn mai mối cho tôi với một vài người bạn của anh với hi vọng tôi sẽ có một gia đình nhỏ cho riêng mình. Nhưng tất cả vô ích, ngoài anh ra, tôi chẳng quan tâm tới một ai khác.
Một lần, lấy hết can đảm tôi hỏi anh “cho em xin một đứa con, làm cha của con em nhé”, anh đã đồng ý. Sau khi con gái của chúng tôi chào đời, chúng tôi thống nhất: con theo họ mẹ, phần khai người bố để trống vì cả hai đều không muốn bị ảnh hưởng đến gia đình anh. Tuy nhiên, anh có viết tay Giấy nhận con đưa tôi giữ đồng thời chu cấp tiền cho tôi nuôi con. Thi thoảng anh vẫn đến thăm con gái tôi và đưa cháu đi chơi như bao người cha khác vẫn làm cho con gái của mình.
Khi con gái tôi được 6 tuổi, không may anh mất vì tai nạn giao thông. Vài tháng sau ngày anh mất, tôi nhận được tin dữ, con gái tôi mắc bệnh tim, cần có tiền để phẫu thuật mới giữ được tính mạng. Chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, tôi không thể có một khoản tiền lớn để lo cho con. Trong khi đó, gia đình anh rất giàu, tài sản anh để lại cho vợ con khá lớn…
Vậy mong luật sư cho biết: Là con ngoài giá thú, liệu con gái tôi có được thừa kế một phần tài sản của anh?
Xin cảm ơn luật sư!
Tư vấn của Luật sư:
Với dữ liệu bạn cung cấp, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi nghiên cứu và có ý kiến tư vấn như sau:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì con trong giá thú, con ngoài giá thú đều được hưởng di sản thừa kế của cha, mẹ để lại.
Tuy nhiên, để được hưởng di sản thừa kế do người cha để lại, cháu bé phải được thừa nhận là con của người đã chết. Vì vậy, bạn cần phải làm thủ tục xác nhận cha cho con sau đó mới đặt ra vấn đề hưởng di sản thừa kế.
Về việc nhận cha cho con:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 32 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thì ngay cả trong trường hợp người cha đã chết thì bạn vẫn có quyền đăng ký truy nhận cha cho con gái của bạn. Việc xác nhận cha cho con gái của bạn có thể có tranh chấp.
Hiện nay pháp luật không quy định rõ tranh chấp khi nhận cha cho con cụ thể là như thế nào. Tuy nhiên, ở đây, do cha của cháu bé đã chết nên tranh chấp phát sinh trong việc nhận cha cho con nếu có chỉ là giữa bạn với người vợ hợp pháp hoặc các con trong giá thú của người đã chết. Vì vậy, sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Không có tranh chấp về việc nhận cha cho con:
Căn cứ theo quy định tại Mục 6 Nghị định 158/2005/NĐ-CP Quy định về đăng ký hộ tịch thì trong trường hợp nhận cha cho con mà không có tranh chấp sẽ được tiến hành cụ thể như sau:
- Về thẩm quyền giải quyết: Căn cứ quy định tại Điều 33 và Điều 35 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thì UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) nơi cha của cháu bé cư trú có thẩm quyền thụ lý, xem xét giải quyết việc đăng ký nhận cha cho con.Vì vậy, bạn cần làm hồ sơ xin nhận cha cho con và gửi đến cơ quan này để đề nghị giải quyết.
- Hồ sơ đăng ký nhận cha cho con: Theo Điều 34 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, để thực hiện việc đăng ký nhận cha cho con tại UBND xã, bạn phải nộp hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
+ Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ con theo mẫu quy định;
+ Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của cháu bé;
+ Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, con (nếu có). Trường hợp của bạn có chính là Giấy nhận con mà cha cháu bé đã viết cho bạn.
+ Giấy chứng tử của người cha của cháu bé (bản sao công chứng).
Ngoài ra, bạn cũng có thể xin xác nhận của những người đã chứng kiến việc cha của cháu bé thăm con, chăm sóc con và chu cấp tiền nuôi dưỡng... gửi kèm trong hồ sơ để UBND xã củng cố chứng cứ làm cơ sở giải quyết.
- Thủ tục giải quyết: Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Sau khi đăng ký việc nhận cha cho con thì UBND sẽ cấp Quyết định công nhận việc nhận cha cho con.
Khi đã có quyết định này thì bạn có thể làm hồ sơ để đăng ký bổ sung thông tin về phần khai về người cha vào Giấy khai sinh của con gái bạn. Hồ sơ này cần gửi đến UBND cấp xã đã tiến hành việc đăng ký khai sinh cho cháu bé./
Theo phapluatvn