Người chủ được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm.
 
Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực kể từ 1/5/2013), khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
 
Như vậy với quy định này, nếu công ty bạn thay đổi sơ đồ bộ máy thì có quyền chuyển bạn sang làm một công việc khác kể cả trường hợp không được bạn đồng ý. Tuy nhiên, việc công ty không báo trước cho bạn (ít nhất là 3 ngày làm việc) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Sau khi chuyển bạn sang làm công việc mới, nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì bạn được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
 
30 ngày làm việc còn lại bạn được hưởng ít nhất bằng 85% mức lương cũ. Hết 60 ngày làm việc này, nếu bạn không đồng ý tiếp tục làm công việc mới thì công ty phải chuyển bạn về làm đúng công việc mà Hợp đồng lao động đã quy định. Trường hợp bạn đã làm đủ 60 làm việc theo công việc mới mà công ty không chuyển bạn về công việc cũ bạn có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền.
 
Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc sự cần thiết khi khởi kiện vụ việc ra tòa cũng như hiệu quả pháp lý của việc khởi kiện bởi quá trình xét xử thường mất nhiều thời gian, chi phí đi lại.
 
Về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và bồi thường chi phí đào tạo pháp luật quy định như sau: Trong trường hợp không muốn làm công việc mới mà công ty giao cho bạn, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động, bạn có quyền đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động.
 
Tuy nhiên bạn phải báo trước cho công ty biết ít nhất là 3 ngày làm việc. Việc báo trước nên thực hiện bằng văn bản để có cơ sở pháp lý khi giải quyết tranh chấp, nếu có. Nếu bạn không vi phạm thời hạn báo trước thì về nguyên tắc, khi nghỉ việc bạn không phải bồi thường hợp đồng cũng như không phải bồi thường phí đào tạo cho công ty.
 
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội