Ông P.V.D (SN 1984; ngụ tại xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) đã cho người quen mượn giấy tờ nhà đất trong vòng 5 tháng để thế chấp vay tiền, số tiền vay là 300 triệu đồng. Sau đó, người quen này yêu cầu ông D. ký vào một số giấy tờ nhằm mục đích bảo đảm cho khoản vay, không vì bất cứ mục đích nào khác. Vì rất tin tưởng người quen đã kiểm tra hết thông tin giấy tờ nên ông D. đã ký tất cả những giấy tờ mà không đọc nội dung.
Sau đó, người quen này đã tự ý sang tên và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai thửa đất này. Mặc dù, cho đến nay ông D. vẫn đang là người quản lý, sử dụng đối với các thửa đất trên, không có tranh chấp với bất kỳ ai. Khi ông D. liên hệ văn phòng công chứng để xin trích lục hồ sơ mà mình đã ký thì phát hiện mình ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng ủy quyền toàn quyền chuyển nhượng, mua bán.
|
|
Luật sư Vũ Sỹ Phú – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. |
Sau đó, hai thửa đất này được chuyển nhượng cho người khác, rồi đem tài sản thế chấp tại ngân hàng để vay với số tiền hơn 10 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà người quen ông D. đã vay. “Vậy tôi phải làm gì để đòi lại tài sản của mình?” ông D. hỏi.
Theo Luật sư Vũ Sỹ Phú – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, qua trường hợp trên cho thấy chủ nợ hoạt động theo băng nhóm, có tính chất chuyên nghiệp và am hiểu pháp luật. Lợi dụng tình trạng cấp bách cần vay tiền của người vay, chủ nợ thường yêu cầu bảo đảm khoản vay bằng việc giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký và công chứng với giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản.
Sau đó, lợi dụng những hợp đồng này để tự ý sang tên và nhanh chóng chuyển nhượng lại cho đồng bọn của mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt. Từ đó, tiếp tục thực hiện thế chấp những tài sản này tại ngân hàng để vay với số tiền lớn hơn số tiền cho vay, mục đích nhằm chiếm đoạt phần tiền chênh lệch.
Có thể thấy, những hành vi và thủ đoạn của băng nhóm này hoạt động rất chuyên nghiệp, có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bởi vì, tương tự như trường hợp trên có vụ việc đã được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam T.T.K (SN 1991; ngụ tỉnh Sóc Trăng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
T.T.K đã đưa ra thông tin cho vay lãi suất thấp, thủ tục dễ dàng, chỉ cần thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là được vay ngay, nhưng sau đó chiếm đoạt mang cầm cố ngân hàng.
Luật sư Vũ Sỹ Phú lưu ý người dân cần cảnh giác với các đối tượng cho vay theo hình thức như trên, vì các đối tượng này thường nhắm đến những cá nhân có nhu cầu về tài chính cấp thiết nhưng thiếu hiểu biết pháp luật. Từ đó, yêu cầu bên vay ký các hợp đồng chuyển nhượng giả cách, chỉ một thời gian sau tài sản đã bị sang tên cho chủ nợ và bị thế chấp tại ngân hàng. Do vậy, nguy cơ người vay “mất trắng” tài sản là rất cao./.