Ông Lâm Mỹ Cảnh (Hậu Giang) hỏi: Tôi có người cô sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc cho công ty theo hình thức hợp đồng khoán việc từng năm, không đóng BHXH, nhưng trong hợp đồng có ghi mức lương đã bao gồm BHXH, BHYT, BHTN. Vậy, khi nghỉ việc cô tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc hay chế độ khác không?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời ông Lâm Mỹ Cảnh như sau:

Theo Khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Lao động thì khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Trong đó, thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp người lao động tiếp tục lao động sau khi nghỉ hưu (người lao động cao tuổi), khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động (đối với thời gian làm việc sau khi nghỉ hưu), thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên.

 

Theo Chính phủ

.