Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. 

Báo BVPL phản ánh: Công an vừa phát hiện nhiều thanh niên tụ tập sử dụng ma túy tại một cơ sở kinh doanh karaoke. Đáng chú ý có hai người từ TP HCM về không khai báo và nhân viên phục vụ quán karaoke chính là người bán ma túy cho khách đến “chơi”.

Hành vi của những đối tượng trên trong tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp là những hành vi cần lên án và xử lý nghiêm. Trong đó, cụ thể:

1.      Đối với hành vi của nhóm thanh niên tụ tập sử dụng ma túy

Theo Điều 3 Luật Phòng chống ma túy năm 2000 quy định:

Điều 3

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

…             

3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý;...

Hành vi của các đối tượng nêu trên đã vi phạm quy định của pháp luật phòng chống ma túy. Và đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức phạt tiền lên đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Cụ thể:

“Điều 21. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này.

7. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

2.      Đối với hành vi của nhân viên phục vụ bán ma túy cho khách

Hành vi nhân viên phục vụ quán karaoke bán ma túy cho khách đến chơi sẽ bị xử lý hình sự về Tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với hình phạt tù cao nhất lên đến tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Cụ thể:

“Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy

1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

3.      Đối với hành vi của 2 người từ TPHCM không khai báo y tế

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID -19 thì mỗi người dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ khai báo y tế để phát hiện kịp thời, tránh nguy cơ lây nhiễm. Do đó, hành vi không khai báo y tế là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Cụ thể:

a)     Xử lý hành chính

Theo quyết định 219/2020/QĐ-BYT, COVID-19 được liệt kê vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm. Và hành vi không khai báo y tế sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, với mức phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng. Cụ thể:

“Điều 7. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;…”

b)     Xử lý hình sự

Tại mục 1.1 Công văn 45/2020/CV-TANDTC V/v xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID -19 thì đối với người trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly mà không khai báo y tế sẽ bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Cụ thể:

“1. Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự

1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID -19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID -19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

….

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”.

“Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, người có hành vi không khai báo y tế khi từ vùng dịch về sẽ bị xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt tù cao nhất lên tới 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.      Đối với cơ sở karaoke vẫn hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19

a)     Xử lý hành chính

Chủ cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định phòng dịch chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng. Cụ thể:

“Điều 12. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng;…”.

b)     Xử lý hình sự

Tại tiểu mục 1.3 mục 1 Công văn 45/2020/CV-TANDTC có hướng dẫn:

“1.3. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295”.

Như vậy, hành vi của chủ cở kinh doanh quán karaoke vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì sẽ bị xử lý về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Hương My