Nạn nhân trong vụ việc là cháu T.V.Đ.K (SN 2008, trú phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, Bình Thuận).

Trước đó, ngày 16/7, thầy Thiện Lam gọi điện báo với gia đình về việc K. “hư hỏng, xem phim đồi trụy” nên yêu cầu gia đình đón về nhà. Khi gia đình lên chùa đến đón K. về thì phát hiện trên người cháu bé có nhiều vết bầm tím khắp người.

leftcenterrightdel
Cháu K. có nhiều vết bầm tím khắp người. (Ảnh PLO)

"Tôi đến chùa để đón con nhưng nhìn thấy tay chân của con có rất nhiều vết thương, bầm tím. Bức xúc trước sự việc, tôi đã làm đơn trình báo với công an rồi dẫn cháu đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết, K. bị chấn thương phần mềm vùng đầu mặt, vùng lưng và mông", mẹ cháu K. nói.

Gia đình nạn nhân cho biết, mẹ cháu K. gửi cháu lên cơ sở tu hành ở Hàm Thuận Bắc để học khóa tu trong 3 tháng hè từ ngày 10/6. Sau đó, mẹ cháu K. nhận được điện thoại của con, cháu cho biết mỗi lần ngủ đều bị thầy Thiện Lam ôm ấp, siết chặt rất khó chịu.

Trao đổi với PV về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi cố ý gây thương tích, bạo hành trẻ em xảy ra đối với người tu hành là một câu chuyện đáng buồn.

“Theo quan niệm của đạo Phật thì người theo đạo Phật sẽ hướng tới thiện, tới tâm, tới nhẫn... tới các giá trị nhân văn để từ bỏ cám dỗ, danh vọng, Tham -  Sân - Si. Người tu hành không được làm việc ác, không được gây tổn hại cho người khác. Tuy nhiên người này đang tu hành mà lại có hành vi bạo hành trẻ em thì thật sự không thể chấp nhận được", luật sư Cường nêu quan điểm.  

leftcenterrightdel
Vết bầm tím ở mông cháu K. Ảnh Plo. 

Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi của “nhà tu hành” để làm rõ nguyên nhân, động cơ và hậu quả để lại đối với nạn nhân. Trong trường hợp nạn nhân có thương tích, dù tỷ lệ thương tích chưa tới 11 % nhưng nạn nhân là trẻ em, hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn thì hành vi này hoàn toàn có thể sử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả hành vi thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm tù theo quy định tại điều 134 BLHS.

 Ngoài ra người gây thương tích còn bị kỷ luật theo quy định của Phật giáo và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra đối với nạn nhân, thiệt hại bao gồm tiền chi phí cứu chữa, tiền tổn thất về tinh thần và các thiệt hại khác trong quá trình cứu chữa với nạn nhân./.

Nguyễn Lánh