(BVPL) - Trong báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê dưới sự trợ giúp của tổ chức UNICEP đã công bố số liệu khiến dư luận phải giật mình, gần 75% số trẻ em từ 2- 14 tuổi ở Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình bạo hành.
Điều đáng nói ở đây là hầu hết những vụ bạo hành kể trên đều bắt nguồn từ nguyên nhân trẻ không chịu nghe lời và bạo lực là cách để các bậc cha mẹ và cô giáo “dạy dỗ” các bé. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” của ông cha ta ngày xưa vô hình trung đã trở thành “cơ sở” cho phương pháp dạy con mang tính bạo lực của những con người này. Họ cho rằng “phải đánh thì mới nên người” và ngang nhiên “tấn công” những đứa trẻ. Cách hành xử của họ đối với con cái và học sinh của mình chẳng khác gì những tên xã hội đen, những kẻ côn đồ...
Hãy “cứu” thế hệ tương lai của đất nước
Những sự việc kể trên chỉ là một trong số rất ít các trường hợp bạo hành trẻ em bị phát hiện trên cả nước. Còn vô số những vụ bạo hành vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ngoài những tổn thương về mặt sinh lý như nứt, gãy xương, tổn thương nội tạng, gây di chứng co giật, động kinh, chậm phát triển…, trẻ em bị bạo hành còn chịu ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý như: ngại giao tiếp và khó thiết lập quan hệ với người lớn, trầm cảm, lo âu, sợ sệt; những hành động bạo hành có thể gây phản ứng chống đối hoặc phòng vệ ở trẻ, khiến trẻ phát triển tính chống đối, ngang bướng, lầm lì, ít nói, mất tự tin, đặc biệt, trẻ sẽ có xu hướng lặp lại hành động đó, có nghĩa là sau này trẻ cũng sẽ sử dụng bạo lực để dạy dỗ con cái.
Trẻ em là tương lai của đất nước, là thế hệ kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề cần nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Trên thực tế, đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình tuyên truyền về phòng chống và ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020 nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cá nhân, gia đình và cộng đồng về những vấn đề như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phúc lợi xã hội, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình… Tuy nhiên, bạo hành trẻ em vẫn đang là vấn đề nhức nhối, khiến dư luận phẫn nộ với những diễn biến phức tạp.
Trước tình hình này, phát biểu tại buổi lễ khai mạc và phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 vừa qua, ông Hồ Quang Lợi - Ủy viên Thường vụ- Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng và gia đình cần dành sự quan tâm và ưu tiên cho trẻ em; tạo cơ hội để trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh của gia đình, nhà trường và cộng đồng, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị xâm hại, lạm dụng; tạo điều kiện để các em được tiếp cận với các dịch vụ phúc lợi xã hội thân thiện, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, được tiếp thu các nguồn thông tin, tri thức, văn hoá một cách thuận lợi, phù hợp với độ tuổi.
Cũng đề cập đến vấn đề này, tại buổi Tọa đàm “Vai trò của cha mẹ và gia đình trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” được tổ chức vào tháng 6/2014, thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai -Trưởng ban Gia đình Xã hội đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ trong bảo vệ trẻ an toàn, thực hiện các quyền trẻ em … gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Bà Tuyết Mai cũng khẳng định: “Xóa bỏ bạo lực, xâm hại trẻ em là việc làm có thể thực hiện được nếu có sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội”.
“Bạn không chứng kiến bạo lực, không có nghĩa là bạo lực không xảy ra”. Đâu đó trong xã hội vẫn còn những tâm hồn trẻ thơ bị ngược đãi, những cơ thể bé nhỏ bị xâm hại. Do vậy, vì thế hệ tương lai của đất nước, hãy cùng chung tay tạo ra một môi trường sống tốt đẹp cho sự phát triển toàn diện của các em cả về thể chất lẫn tinh thần.
Quỳnh Anh