Nữ đủ 30 năm đóng BHXH mới hưởng lương hưu 75%
Cập nhật lúc 15:57, Thứ hai, 26/11/2018 (GMT+7)
Hỏi: Ông Lê Hồng Sơn (TP. Hà Nội) hỏi: Một lao động nữ sinh năm 1970, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 1987 đến năm 2004 theo hệ số công ty Nhà nước, từ năm 2004 đến tháng 10/2018 đóng BHXH theo tiền lương do Công ty tự xây dựng. Nếu lao động này xin về nghỉ hưu trước tuổi, giám định y khoa mất sức 61% thì tỷ lệ lương hưu khi nghỉ việc tháng 11/2018 là bao nhiêu %?
Nếu năm 2020 xin về nghỉ hưu trước tuổi, giám định y khoa mất sức 61% thì mức lương hưu khi nghỉ việc tháng 12/2020 là bao nhiêu %?
Nếu đến khi nghỉ hưu vẫn đóng BHXH theo tiền lương Công ty tự xây dựng mà muốn về hưu hưởng mức tối đa 75% thì cần đi làm đến năm bao nhiêu?
Trả lời: Về vấn đề này, BHXH thành phố Hà Nội cho biết:
Lao động nữ sinh tháng 5/1970, bị suy giảm khả năng lao động 61%, có 26 năm đóng BHXH, nghỉ hưu tháng 11/2018. Tỷ lệ lương hưu của lao động này được quy định tại Điều 56 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc và Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, được tính cụ thể như sau:
15 năm đầu được tính bằng 45%; Từ năm thứ 16 đến năm thứ 26 là 11 năm, tính thêm: 11x2=22%; Tổng tỷ lệ trên là: 45+22=67%;
Lao động nữ này nghỉ hưu khi 48 tuổi 5 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 55 theo quy định là 6 năm 7 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ khi nghỉ hưu trước tuổi là 6x2%+1=13%.
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của lao động này từ tháng 11/2018 sẽ là 67% -13% = 54%.
Lao động nữ đủ tuổi về hưu từ năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, khi lao động nữ đủ tuổi về hưu theo quy định và có thời gian đóng BHXH từ 30 năm trở lên thì mức lương hưu hàng tháng sẽ là 75%.
CP